Bình tĩnh xử trí một cách khôn ngoan, chính xác nếu không may là F0

07-08-2021 20:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc hoang mang, hoảng loạn không giúp tình trạng sức khỏe của bạn tốt lên, hãy bình tĩnh để đánh giá chính xác và xử trí phù hợp nhất.

Với biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh hơn, dịch COVID-19 trên toàn thế giới nói chung, tại nước ta nói riêng hay cục bộ tại một số địa phương vẫn đang có những diễn biến khó lường.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM nơi đang là "chảo lửa" trong cuộc chiến chống dịch của cả nước, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có hơn 115.800 trường hợp mắc COVID-19, chỉ riêng từ 18 giờ 30 ngày 06/8 đến 6 giờ ngày 07/8, TP.HCM đã có thêm 1.836 trường hợp bệnh nhân được ghi nhận.

F0 không hoang mang - Ảnh 1.

Những lưu ý nâng cao sức khỏe cho F0, F1 tại nhà (HCDC)

Với số bệnh nhân không ngừng gia tăng, theo một tỷ lệ nhất định, số trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng tăng theo, gây nên những áp lực không nhất định với hệ thống điều trị; song song đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, nếu chẳng may bị mắc COVID-19.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, nếu được xác định là F0, bạn cần bình tĩnh không hoảng loạn, bởi sự hoảng loạn có thể làm bạn khó thở do yếu tố tâm lý; việc bình tĩnh còn giúp bạn đánh giá chính xác hơn tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của bản thân để có những bước xử trí tiếp theo cho phù hợp.

Liên quan vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM từng chia sẻ, "Nếu bạn là đối tượng nguy cơ như béo phì, trên 60 tuổi, có bệnh nền đang điều trị, cần liên lạc ngay với y tế địa phương để chuẩn bị cách ly. Nếu bạn không là đối tượng nguy cơ, đa số sẽ tự khỏi trong 10 ngày".

Khi là F0, bên cạnh việc không hoang mang, hoảng loạn, thì cũng không được chủ quan, dù khoảng 80% các trường hợp người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, thực tế cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ chuyển biến nguy kịch.

F0 không hoang mang - Ảnh 2.

Cần đảm bảo thực hiện việc theo dõi sức khỏe cho các trường hợp mắc COVID-19.

TS.BS Lê Quốc Hùng- Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, thông thường trong trường hợp bệnh có những diễn tiến nặng lên, sẽ có những triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo từ giai đoạn sớm. 

Các dấu hiệu dễ nhận thấy như chỉ số SpO2 dưới 95% trong điều kiện thở khí trời, khó thở, nhịp thở nhanh (trên 20 lần/phút), nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút trong điều kiện nghỉ ngơi. Khi có những dấu hiệu này, cần có sự hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt, để xác định lại chính xác tình trạng bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra 10 khuyến cáo hướng dẫn F0 và F1 cách ly tại nhà


Phúc Võ
Ý kiến của bạn