Bình tĩnh mà... khỏe

05-01-2017 11:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ông là người mà tôi thích được ngồi cà phê cùng và nói chuyện mỗi khi có thời gian. Ông biết cởi bỏ những trói buộc tinh thần mà người đời nào cũng vướng mắc.

Ông là người mà tôi thích được ngồi cà phê cùng và nói chuyện mỗi khi có thời gian. Ông biết cởi bỏ những trói buộc tinh thần mà người đời nào cũng vướng mắc. Doanh nhân Phạm Xuân Hà bước vào tuổi thất thập, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, nhưng tới nay vẫn đầy sức mạnh và đang ấp ủ làm dự án lớn nhất trong đời ông. Với ông, tuổi tác chỉ là một con số và sức khỏe luôn là một bài toán hay, cần biết cách giải.

Một người lạ trên đời

Ông Phạm Xuân Hà từng có hơn 30 năm sống tại Cộng hòa Czech. Làm ăn thành công, tài sản có lúc lên tới hàng triệu đô-la. Là một kỹ sư cầu đường, được đào tạo tại Cộng hòa Czech, sau Giải phóng 1975, ông trở về quê hương với mong muốn được đóng góp kiến thức, trí tuệ của mình để kiến thiết đất nước mới. Ông đã từng làm việc tại Viện Thiết kế giao thông thuộc Bộ Giao thông thời ấy, từng tham gia nhiều công trình xây dựng giao thông.

Ông Hà (tóc bạc) và ông Chất

Ông Hà (tóc bạc) và ông Chất - Chủ đầu tư khu du lịch Thung Nham.

Sau đó được Nhà nước cử sang Cộng hòa Czech để giúp đỡ du học sinh và công nhân Việt Nam học tập, lao động ở nước bạn, ông Hà đã trở lại xứ sở pha lê một lần nữa và công việc cuốn ông đi cho đến thời điểm ông quyết định thành lập công ty riêng, kinh doanh dịch vụ vận chuyển và tư vấn. Việc kinh doanh thành công rực rỡ, ông bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, trở thành Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Tiệp Khắc (cũ) từ năm 1992-1998, giúp đỡ được nhiều người Việt trong cộng đồng này kinh doanh tốt đẹp và định cư yên ổn ở nước bạn.

Một lần, Đài Truyền hình Cộng hòa Czech tới phỏng vấn ông, đặt câu hỏi với ông Hà rằng, phải chăng chính nước bạn Czech đã khiến ông thành công trong kinh doanh đến vậy? Ông Hà cười và trả lời, rằng câu hỏi đó hoàn toàn sai. Nếu ông không làm ăn ở Czech, mà kinh doanh ở bất cứ nước nào khác, thậm chí tại Việt Nam thì ông vẫn thành công như vậy. Tương tự như thế, không ai cấm bạn sống và kinh doanh thành công trên đất nước Việt Nam chúng tôi. Tất cả là ở chính mình, cho dù ta lựa chọn sống, kinh doanh ở bất cứ nơi nào. “Thế giới này là của chúng mình”, lời một bài hát Việt được ông Hà rất tâm đắc và thường xuyên nhắc lại. Không ai có thể cản trở được ông tới định cư, làm ăn ở nơi ông muốn. Các khái niệm quốc gia, hoặc công dân của một nước nào đó, với ông Hà, chỉ là một sự ràng buộc linh hoạt mà thôi. Điều quan trọng nhất để ông lựa chọn nơi sống, là tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội của chính ông. Vị phóng viên nước ngoài đó đã gật gù công nhận ông là một người lạ, có quan điểm lạ so với người thường.

Lộ trình kỳ dị

Doanh nhân Phạm Xuân Hà chia đời mình ra những giai đoạn khác nhau: Từ nhỏ tới 25 tuổi là giai đoạn học tập; từ 25-60 tuổi là giai đoạn kinh doanh; từ 60 tuổi trở đi là giai đoạn yêu và tận hưởng cuộc đời. Kinh doanh với ông là để thử thách chính mình, để không ngừng lớn lên và để có tiền chi dùng thoải mái nhất. Tôi từng hỏi ông, rằng người thường dành giai đoạn hoa niên để yêu, tại sao ông lại chọn lúc về già mới yêu? Ông trả lời, sự già của con người không nằm ở tuổi tác, mà ở tinh thần. Dù cho đã 60 tuổi hay hơn nữa, thì ông cũng không thấy mình già. Lý do ông chọn giai đoạn yêu đương từ 60 tuổi trở đi, là vì lúc đó ông có đủ điều kiện kinh tế, đủ trải nghiệm cuộc sống, đủ bản lĩnh và hiểu biết để dâng tặng tình yêu những giá trị lớn nhất và đẹp đẽ nhất. Tình yêu là sự thăng hoa của đời người, của tinh thần, vì thế tình yêu xứng với những điều tốt đẹp nhất.

Và chính xác như vậy, ông đã tìm thấy tình yêu lớn của đời mình khi bước qua tuổi lục tuần. Tình yêu cho ông đủ sức mạnh và sự thăng hoa để sáng tác những vần thơ tình nồng nàn và cả những bài thơ về quê hương, đất nước, mà trong đó ẩn chứa cả những trăn trở, triết lý của ông về cơn chuyển mình nhanh chóng mà cũng lắm bi kịch của quê cha đất tổ... Khi tập thơ “Tình đời và yêu” của ông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đã gây xôn xao trong giới những người cùng thời với ông, từng định cư và kinh doanh ở Cộng hòa Czech. Tập thơ đã bộc lộ rõ nhất không chỉ tình cảm riêng tư của ông, mà còn là tình yêu, nỗi niềm từ trái tim ông muốn nói với đất nước.

Nhưng cũng chính thời gian ông thăng hoa nhất, thì ông lại gặp biến cố lớn nhất trong đời. Một cái bẫy ông không bao giờ ngờ tới đã giăng sẵn để tóm gọn ông. Một số người thân đã đợi ông sập bẫy, nhốt ông vào bệnh viện tâm thần để khống chế tài sản lớn của ông. Ông phải ở cùng những bệnh nhân tâm thần, bị tước phương tiện liên lạc với bên ngoài, phải tiêm những loại thuốc khiến ông ngủ li bì và tâm trí khó tỉnh táo. Những người âm mưu việc này hy vọng dần dần ông sẽ bị tâm thần thật sự sau một thời gian bị giam cầm trong bệnh viện.

Nhưng ông Hà không phải loại người có thể bị người khác khống chế như vậy, dù là với thủ đoạn nào. Ông đã thoát ra khỏi bệnh viện một cách ngoạn mục, gay cấn như một phim Hollywood thực thụ, để trở về với cuộc sống mà ông mong muốn. Tuy nhiên, sau khi ra viện, ông bị suy nhược nặng do bị tiêm những loại thuốc đặc biệt khi bị nhốt trong viện tâm thần. Ông phải ở tĩnh một thời gian, chỉ vài ba người biết ông ở đâu. Ngoài ra những người thân trong gia đình không được biết. Ông cần bình tĩnh để cân bằng trở lại, lấy lại sức khỏe, phục hồi tinh thần, nhất là với dư chấn từ cú sốc do bị chính người thân cận nhất trong gia đình hãm hại.

Ông tập thể dục đều đặn, thiền, ăn uống theo chế độ đặc biệt, gồm ngũ cốc, rau củ, trái cây và những dược liệu quý từ vùng núi đá quê hương Ninh Bình của ông. Vùng quê Ninh Bình sơn thủy hữu tình đã giúp ông nhanh chóng phục hồi, minh mẫn trở lại. Và ông cũng vượt qua được cú sốc lớn nhất đời mình, để bình tĩnh, để đủ bao dung mà không tìm cách trả thù kẻ đã gây họa cho mình, để tìm lại tình cảm yêu thương dành cho chính kẻ thủ ác trong gia đình mình. Ông đã phải nỗ lực rất lớn. Ông cho rằng, chỉ khi nào ông đủ bình tĩnh, đủ yêu thương thật lòng với những người lập mưu hãm hại ông, thì lúc đó ông mới thực sự khỏe, thực sự bình phục.

Với ông Hà, tuổi tác chỉ là một con số.

Với ông Hà, tuổi tác chỉ là một con số.


Khỏe hơn và làm việc thông thái hơn

Doanh nhân Phạm Xuân Hà chọn trở về quê hương Ninh Bình sinh sống trong giai đoạn này. Ông không muốn sống ở Hà Nội bởi Hà Nội giờ đây đã quá ô nhiễm, quá đông đúc và hỗn loạn. Hà Nội không còn đủ khỏe khoắn để dung dưỡng con người theo tiêu chuẩn mà con người xứng đáng được hưởng. Trong khi đó, Ninh Bình quê ông không chỉ rộng rãi, thoáng đãng vì có biển, mà còn là nơi cố đô sơn thủy hữu tình, đẹp đẽ nên thơ. Sống ở đây, ông có thể lái xe hơi chừng một tiếng đồng hồ là ra tới biển phóng khoáng, chạy xe nửa tiếng là vào vùng rừng núi xanh tươi, hang động kỳ ảo, vùng lõi của di sản cố đô. Ông đã thiết kế một dự án xây dựng Ninh Bình thành một thành phố tuyệt vời, và độc đáo, dựa vào địa thế nơi đây, dự án này đã được nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh thời chấp bút, có lẽ với thời gian, và nếu hữu duyên, ông có thể gặp nhà đầu tư đủ tâm, tầm, đủ tài lực để thực hiện. Ông cũng đang ấp ủ một dự án lớn về xây dựng những tuyến đường cao tốc huyết mạch nối các nước Đông Nam Á và các trung tâm kinh tế quốc gia.

Sống tại Ninh Bình, ông đủ bình tĩnh để thực hiện một chế độ sống khỏe khoắn nhất, kết hợp tập luyện, chế độ ăn, thư giãn làm việc và yêu thương. Ngoài thời gian làm việc, ông giao lưu, tư vấn những kinh nghiệm kinh doanh miễn phí cho giới trẻ. Ông cũng đi thực địa trong Ninh Bình, tự nguyện chi tiền đầu tư xây cầu, đường cho bà con các làng nghèo khó. Điều đó mang lại niềm vui lớn cho ông mỗi ngày. Niềm vui chính là liều thuốc bổ quý giá nhất cho tinh thần mà ông chủ động có được từ Ninh Bình quê ông.


Kiều Khanh
Ý kiến của bạn