Bình Thuận: Liên tiếp xảy ra các vụ chìm tàu cá trên biển

07-08-2024 07:35 | Xã hội
google news

Ngày 6/8, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận nhận được báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc một tàu cá bị chìm tại vùng biển Mũi Né.

Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 3/8, tàu cá BTh 84090 TS khi đang hoạt động tại khu vực cách phía Nam mũi Hòn Rơm khoảng 3 hải lý thì bị chết máy, trôi dạt vào bãi đá mũi Hòn Rơm, sau đó bị sóng đánh chìm. Tàu cá BTh 84090 TS do ông Hồ Ngọc Dân (sinh năm 1972, trú tại phường Phước Lộc, thị xã La Gi, Bình Thuận) làm chủ kiêm thuyền trưởng. Tàu có công suất 120 CV, hành nghề rập ốc. Khi bị nạn, trên tàu có 3 lao động, các lao động trên tàu đã an toàn.

Sau khi nhận tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Mũi Né tiếp tục theo dõi, giúp đỡ chủ tàu khắc phục sự cố, trục vớt tàu; đồng thời thông báo cho chủ tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động gần khu vực trên biết, tránh va chạm.

Trước đó, ngày 4/8, tại vùng biển Bình Thuận xảy ra một vụ chìm tàu cá. Tàu cá PY 95526 TS khi đang đánh bắt thủy sản tại khu vực cách phía Đông đảo Phú Quý khoảng 8 hải lý thì bị phá nước, chìm, 4 lao động trên tàu may mắn được cứu vớt. Tàu cá PY 95526 TS có công suất 530CV, hành nghề câu do ông Phạm Ngọc Tưởng (sinh năm 1978, trú tại khu phố Phú Lạc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) làm thuyền trưởng. Ngay sau khi bị chìm, tàu cá bị nạn đã được các tàu cá lân cận hỗ trợ lai kéo, đưa 4 lao động về bến Bãi Phủ, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý an toàn.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đây đến cuối năm, Việt Nam bước vào mùa mưa bão, tập trung trong các tháng 8, 9, 10. Để giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố trong quá trình hành nghề trên biển, mỗi thuyền viên cần tự trang bị kỹ năng sinh tồn, khả năng chịu sóng gió khi gặp thời tiết xấu, đảm bảo an toàn cho bản thân… Các chủ tàu cá, phương tiện cần trang bị áo phao, thiết bị cứu hộ, đồ bảo hộ lao động cho thuyền viên; hướng dẫn kỹ năng từng loại nghề, phương pháp sơ cấp cứu tại chỗ trên tàu cá cũng như cách thức phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Các chủ tàu, thuyền trưởng cần trang bị kiến thức di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; thường xuyên cập nhật cảnh báo thời tiết xấu trên biển.


Theo Hồng Hiếu (TTXVN)
Ý kiến của bạn