Để tiếp tục thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025. Việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nhằm phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để địa phương, đồng bào tự lực vươn lên.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là hơn 852 tỷ đồng. Chương trình có 10 dự án được triển khai với mục tiêu tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, giúp đồng bào tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Thuận được giao 7.229 triệu đồng nguồn vốn năm 2022 - 2023 để triển khai Dự án. Từ năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định giao vốn cho Ban Dân tộc và các địa phương triển khai thực hiện.
Hiện sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Thuận tập trung chủ yếu vào một số loại cây trồng chính như lúa nước, bắp lai, cao su, điều và chăn nuôi bò, dê. Đối với nguồn vốn phân cho các huyện thực hiện chuỗi liên kết, các địa phương chủ yếu thực hiện hỗ trợ bò cái sinh sản cho các hộ đồng bào.
Sản xuất bắp lai cũng đang là cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trung tâm dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc) thực hiện ký kết hợp đồng, tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm.
Thông qua Trung tâm Dịch vụ miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã triển khai chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư... Đồng thời thu mua nông sản cho bà con với giá ổn định hơn so với thị trường. Chính sách này giúp bà con có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất, hạn chế tình trạng vay mượn vốn từ bên ngoài với lãi suất cao. Việc thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp đã giúp người dân yên tâm thúc đẩy phát triển sản xuất thoát nghèo và làm giàu.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương, việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ đạt kết quả, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Một già làng vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa kiên trì vận động xây nên những ngôi nhà mới.