Báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước đến ngày 14/8, toàn tỉnh có 2.122 ca mắc SXH, tăng gần gấp 5 so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, huyện Chơn Thành có tỷ lệ cao nhất với 545 ca, Đồng Xoài 362 ca, Đồng Phú 239 ca. Thời điểm này năm 2015, Bù Đốp và Lộc Ninh là hai huyện có tỷ lệ SXH thấp nhất, nhưng năm nay cũng đã tăng cao. Trong đó, Bù Đốp từ 2 ca lên 99 ca, Lộc Ninh tăng từ 4 lên 68 ca.
Người dân vẫn chủ quan với bệnh
BS. Lê Bá Tuế - Khoa Nhiệt đới BVĐK tỉnh chia sẻ: Mặc dù số bệnh nhân điều trị tại Khoa Nhiệt đới tăng nhanh, nhưng đây chỉ là con số không đầy đủ. Đa số những ca mắc SXH đều chọn phương pháp điều trị tại các phòng mạch tư ở địa phương. Khi được truyền dịch quá nhiều, toàn thân vẫn sốt cao và đau nhức, bệnh nhân mới vào bệnh viện khiến cho quá trình điều trị khó và lâu hơn.
Anh Phạm Xuân Thiên (ở xã Long Tân, Phú Riềng) là một trong những trường hợp điển hình cho việc chủ quan đối với bệnh SXH. Khi mới có triệu chứng bệnh, anh Thiên nghĩ mình bị sốt virut nên đã tới phòng mạch tư ở gần nhà để truyền dịch. Hai ngày sau, sốt cao hơn, ho nhiều, đau đầu và toàn thân nhức mỏi, anh Thiên mới nhập viện, được chẩn đoán là SXH. Do bị bệnh tiểu đường, nên dù được điều trị tại bệnh viện tỉnh hơn ba tuần, anh Thiên vẫn chưa được xuất viện.
Theo BS. Tuế, điều trị bệnh SXH khó hơn so với điều trị bệnh sốt rét hay sốt virut. SXH có những biểu hiện bất thường, ngay cả các bác sĩ chuyên khoa giỏi cũng khó tiên liệu bệnh. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh lý ban đầu, người dân cần đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị. Không nên tự ý đến phòng mạch tư để truyền dịch, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhân viên Trung tâm y tế dự phòng hướng dẫn cách tẩm màn cho người dân.
Bệnh viện luôn quá tải
Bắt đầu vào mùa mưa năm nay, SXH tăng mạnh trên khắp toàn tỉnh. Từ đầu tháng 7 đến trung tuần tháng 8, bệnh này tiếp tục có dấu hiệu tăng đột biến. Bệnh viện đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Đây là khẳng định của BS. Lê Bá Tuế - Khoa Nhiệt đới. “Đa phần các bệnh nhân đến trong tình trạng sốt nặng. Nhiều bệnh nhân tràn dịch màng phổi nhưng may mắn chưa có trường hợp nào dẫn đến tử vong”, BS. Tuế cho biết thêm.
Vào thời điểm này, Khoa Nhiệt đới tiếp nhận trung bình 12 ca/ngày. Số bệnh nhân được điều trị tại đây tăng liên tục. Nhiều ngày, các bác sĩ phải xếp hai bệnh nhân/giường. Tới khi không đủ giường thì người bệnh được điều trị cả ngoài hành lang. Theo hồ sơ bệnh lý, người bị bệnh SXH phần lớn nằm trong độ tuổi lao động. Đa số là nông dân, công nhân công cạo mủ cao su ở các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và thị xã Phước Long, Bình Long. Riêng thị xã Đồng Xoài, SXH xuất hiện chủ yếu ở xã Tiến Thành, Tân Thành...
BS. Tuế cho biết, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao thì SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp và bùng phát trên diện rộng. Đây là căn bệnh nguy hiểm, y học hiện đại chưa tìm ra thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng ngừa. Để phòng chống dịch, người dân cần phát quang bụi rậm, giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh nước ứ đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh nở. Đối với những người thường xuyên đi rẫy như nông dân, công nhân cạo mủ cao su phải có biện pháp chống muỗi bằng nhang muỗi, kem chống muỗi, mặc đồ dài. Nên ngủ màn, khi không cần thiết thì người dân không nên ngủ lại trong vườn, rẫy.