Nhằm đánh thức tiềm năng, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Đồng thời phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh nêu rõ, ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 thu hút đầu tư nhằm đạt được 1-2 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 35ha nuôi trồng dược liệu, trồng tập trung tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp. Hình thành 1 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Đến năm 2030 thu hút đầu tư nhằm đạt được từ 3-5 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 40-50 ha với nhiều hình thức như: Vườn thực nghiệm, vườn độc canh, vườn xen canh. Đồng thời chú trọng phát triển đa dạng các loại giống dược liệu ưu tiên các giống bản địa nhằm đáp ứng một phần nhu cầu nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược.
Đến năm 2045, cùng với sự nâng cấp, hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư nhằm tăng thêm số nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP (8-10 nhà máy) và tăng diện tích vùng trồng, khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn. Ngành công nghiệp dược, sản xuất dược liệu đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Bình Phước cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp, đơn cử như: Đầu tư phát triển vùng trồng, khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến cho đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc.
Chuyển đổi một số diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho phù hợp. Khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng đối với một số cây dược liệu thích nghi với điều kiện trồng dưới tán rừng để phát triển và bảo vệ rừng.
Xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp điển hình trong sản xuất theo chuỗi liên kết. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tự tổ chức sản xuất cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ hoặc góp đất, công lao động.
Xây dựng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ và mở rộng thị trường tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản sản phẩm cây dược liệu…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lực lượng chức năng đưa thai phụ, cụ già từ vùng ngập lụt tới nơi an toàn.