Bình mới, rượu có mới?

15-12-2014 8:00 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Hiện nay, trên sóng truyền hình có khá nhiều chương trình hài kịch mới, chương trình cũ sau một thời gian vắng bóng cũng đã quay trở lại.

Hiện nay, trên sóng truyền hình có khá nhiều chương trình hài kịch mới, chương trình cũ sau một thời gian vắng bóng cũng đã quay trở lại. Có thể nói rằng, đây là thời điểm khá sôi động của hài kịch và là tín hiệu rất đáng mừng cho những người làm nghề và khán giả yêu hài kịch. Liệu những chương trình mới có đủ sức thu hút khán giả và đi một chặng đường dài hay lại “chết yểu” như rất nhiều chương trình trước đó?!

Bạn mới “Ơn giời, cậu đây rồi”!

“Ơn giời, cậu đây rồi” - một chương trình hài kịch mới lên sóng VTV3 vào khung giờ vàng mỗi tối thứ 7 hàng tuần đang trở thành món ăn tinh thần được nhiều khán giả yêu thích. Hầu hết khán giả đều nhận định, ưu điểm nổi bật của “Ơn giời, cậu đây rồi” là tình huống bất ngờ dành cho người chơi. Khi tham gia chương trình, khách mời là diễn viên, ca sĩ, người mẫu, MC… không hề biết mình sẽ rơi vào tình huống hài kịch như thế nào. Họ buộc phải đoán tình huống thông qua cách trang điểm và trang phục được ban tổ chức chuẩn bị. Khi cánh cửa mở ra, người chơi mới biết được tình huống mà mình phải ứng xử với bốn trưởng phòng (là những diễn viên hài kịch nổi tiếng) phụ trách. Cuối cùng, trưởng phòng thứ 5 đồng thời là giám khảo của chương trình - diễn viên Hoài Linh sẽ cùng cả bốn thí sinh tham gia một tình huống chung để chọn ra người đạt giải nhất của buổi thi. Những tình huống “dở khóc, dở cười”, cảm xúc, phản ứng của người chơi khi bị các “trưởng phòng” làm khó đã tạo nên tiếng cười sảng khoái, mang lại “hương vị mới lạ”, độc đáo cho chương trình. Theo kế hoạch, “Ơn giời, cậu đây rồi” sẽ gồm 12 tập và trong mỗi tập sẽ có 5 sân khấu khác nhau, khai thác những câu chuyện và tình huống khác nhau.

Do không còn tạo được sức hút, “Gặp nhau cuối tuần” dừng phát sóng năm 2007, để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả truyền hình.

Chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi” lên sóng VTV3 cuối tháng 11 một lần nữa gây được ấn tượng với khán giả. Khách mời tham gia chương trình gồm Quý Bình, Ngô Kiến Huy, Lý Thanh Thảo và Ngọc Liên cùng các trưởng phòng Tự Long, Công Lý, Việt Hương, Chí Tài, Trường Giang. Đặc biệt, vào vai bác sĩ phụ sản, ca sĩ Ngô Kiến Huy đã chứng tỏ được sự khôn khéo, thông minh trong cách ứng biến tài tình của mình. Phần đối đáp giữa anh và trưởng phòng Tự Long mang đến cho khán giả những trận cười sảng khoái. Tự Long giới thiệu mình là Phó trưởng khoa Vũ Tự Sướng thì Ngô Kiến Huy cũng đã nhanh chóng giới thiệu mình là bác sĩ Thích Tự Đâm, là bác sĩ nhưng không thích chấn thương, chỉnh hình nên quyết định khám phá cái mới ở… khoa sản. Giám khảo Hoài Linh đánh giá cao Ngô Kiến Huy ở sự linh hoạt và nhạy bén trong xử lý tình huống. Khi Tự Long xuất hiện với vai trò là chồng của một sản phụ đang đau đẻ và Ngô Kiến Huy là người đỡ đẻ thành công nhưng sản phụ vẫn “làm khó” khi nói rằng bụng mình vẫn còn to. Ngô Kiến Huy đã rất thông minh khi nói rằng “vẫn còn đứa nữa vì sinh đôi”. Đặc biệt là đoạn cuối, khi phát hiện mình “rơi vào” cảnh trong bệnh viện tâm thần, Ngô Kiến Huy cũng nhanh trí “biến” mình thành một người tâm thần.

Và những “người bạn” cũ…

Không chỉ có “Ơn giời, cậu đây rồi”, nhiều chương trình hài kịch cũng được các đài truyền hình chú trọng khai thác, nâng cao chất lượng sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” hoặc chất lượng chương trình không đảm bảo. “Trong nhà ngoài phố” phiên bản 2014 của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) đã quay trở lại sau một thời gian dài tạm ngừng phát sóng. Đây là chương trình được Đài truyền hình phát sóng từ những năm 1980. Trong suốt thời gian dài, “Trong nhà ngoài phố” đã trở thành món ăn tinh thần mang đến tiếng cười và bài học bổ ích cho khán giả. Một thế hệ diễn viên kịch nói miền Nam như Lê Vũ Cầu, Kim Ngọc, Kiều Mai Lý, Phú Quý, Hữu Châu, Bạch Long, Kim Xuân… đã trưởng thành từ sân chơi này. Theo NSND Hồng Vân, “Trong nhà ngoài phố” phiên bản 2014 sẽ tươi mới hơn về nội dung và cách thể hiện. Khán giả sẽ được thưởng thức chuỗi những vở kịch ngắn chắt lọc từ câu chuyện gần gũi, thiết thực trong cuộc sống hiện đại. Điều tâm đắc nhất là đội ngũ đạo diễn, tác giả của chương trình đã quyết tâm đem đến cho khán giả những câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa từ trong gia đình đến ngoài xã hội”. Sau một thời gian lên sóng, “Trong nhà ngoài phố” bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả. Nhiều khán giả nhận xét rằng, các tiểu phẩm của “Trong nhà ngoài phố” đã bám sát cuộc sống và mang đến tiếng cười có giá trị.

Ngoài ra, HTV7 có “Cười chút chơi” được phát sóng vào tối hai ngày cuối tuần. Mua bản quyền chương trình “Just for laugh”, “Cười chút chơi” thu hút khá đông đảo khán giả yêu thích khi khai thác được “ý tưởng” của họ thông qua tương tác trên website của chương trình. Bên cạnh đó là “Nụ cười vàng” phát sóng chiều thứ sáu hàng tuần. Khi tập trung khai thác những vấn đề thời sự nóng bỏng trong xã hội được người dân quan tâm như vệ sinh an toàn thực phẩm, lô cốt mọc giữa đường, tai nạn giao thông, thị trường chứng khoán, sốt nhà đất… Dưới lăng kính hài hước, các vấn đề xã hội được đề cập khéo léo đã mang đến tiếng cười cũng như bài học có giá trị trong cuộc sống.

Không chỉ là những tiếng cười…

Một thực tế đáng buồn là không ít chương trình hài kịch khi mới xuất hiện được rất nhiều khán giả yêu thích nhưng sau thì trở thành “hài nhảm”. Sự “chết yểu” của một số chương trình từng hút khách như “Trong nhà ngoài phố (HTV), “Gặp nhau cuối tuần”, “Hỏi xoáy đáp xoay”, “Gala cười”… (Đài truyền hình Việt Nam) là những minh chứng cụ thể. Sở dĩ những chương trình này không còn sức hút với khán giả là do tập trung khai thác nhiều vấn đề vụn vặt trong cuộc sống. Sự dí dỏm, hài hước, tinh túy không còn nữa mà thay vào đó là sự gượng gạo, nhảm nhí. Hiện nay, ngay cả “Ơn giời, cậu đây rồi” cũng bị một số khán giả nhận định là sử dụng ngôn ngữ “vỉa hè”, “suồng sã quá mức cần thiết”. Đơn cử như phần dự thi của Phi Thanh Vân trong tập thứ hai của chương trình hay nhiều ngôn ngữ mà danh hài Việt Hương thường sử dụng bị cho là “nhạy cảm” không hợp tình huống, cố tình “cù” khán giả.

Với một chương trình hài kịch, những tiểu phẩm hài phải thực hiện tốt chức năng giải trí nhưng không đơn thuần là giải trí mà còn phản ánh, phê phán những mặt trái trong xã hội và rút ra bài học có giá trị. Có lẽ đây là điều còn đang thiếu hụt trong những chương trình hài kịch ở nước ta hiện nay. Quá chú trọng chức năng giải trí, “chọc cười” khán giả bằng mọi giá sẽ khiến những chương trình hài kịch không còn là chính mình và khán giả không thể chấp nhận những tiếng cười “vô bổ” như vậy…

Phạm Thiên Giang

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH