Du khách sẽ được chứng kiến quang cảnh ngoạn mục độc nhất vô nhị của đời sống sông Hằng. Tuy chảy dọc đất nước Ấn Độ nhưng mỗi khúc sông Hằng lại mang một cái tên và dáng vẻ khác nhau... Nhưng khúc sông ở Varanasi mới thực sự là đặc trưng và nổi tiếng nhất Ấn Độ, bởi lúc nào nó cũng nhung nhúc người, bởi nó giống như một trường quay quá khứ phản chiếu toàn bộ đời sống của người Ấn trong suốt mấy ngàn năm qua, mà đến giờ vẫn vậy.
Varanasi là một đô thị cổ với các tòa nhà cổ kính nhiều màu sắc nằm dọc bờ sông. Và chỉ đi thuyền trên sông ta mới có cơ hội được chiêm ngưỡng hết mọi hỉ nộ ái ố diễn ra trên Ghat. “Ghat” trong tiếng Ấn chỉ những bậc thang dẫn xuống bến sông. Ở trên bờ cao kia là nhà. Từ cửa nhà, người Ấn phải đi bộ xuống Ghat để cầu nguyện, cúng dường, thiền định, bố thí, khất thực, thiêu xác, rải tro, tắm rửa, bói toán, thắp đèn, thả hoa... Có được đi thuyền mới thấy sông Hằng có lẽ là con sông bẩn nhất thế giới, bởi mọi sinh hoạt của người Ấn đều trông cả vào sông. Người ta tắm rửa, giặt giũ, đánh răng và lấy nước sông về thổi nấu nhưng ngay cạnh đó người ta cũng đại tiểu tiện và thả tro, thả xác người chết xuống sông. Diễn nôm theo nghĩa đen thì trên cùng một Ghat có người đang đánh răng nhờ nước sông và cách đó chục mét lại có người sung sướng hưởng thụ một trong tứ khoái bằng cách quay mông trần ra sông trên bậc thang cuối cùng của Ghat. Thực ra việc nước sông vừa phục vụ “đầu ra” vừa phục vụ “đầu vào” vẫn tồn tại ở nhiều nước châu Á, nhưng kinh khủng hơn cả khi sông Hằng lại chính là nguồn nước khổng lồ dành cho việc tiêu thụ các xác chết.
Bình minh nhộn nhịp ở Varanasi.
Vừa xuống bến sông tôi đã nhìn thấy người ta vội vã khuân củi xuống thuyền để chở đến lò thiêu cách đó không xa. Củi phục vụ cho việc hỏa thiêu cũng khác thường, là những súc gỗ khổng lồ, đen đúa như vừa lôi lên từ dưới hỏa ngục. Cả lò thiêu xác cũng âm u như vậy. Muội khói bám chặt những vách tường qua nhiều thế kỷ khiến lò thiêu trở thành công trình cổ duy nhất phá tan cảnh quan đẹp đẽ của khu dân cư ven bờ. Bất kể giờ nào trong ngày cũng có những công nhân lầm lũi khuân đống củi đen vào lò, lầm lì và cam chịu, ngày này qua ngày khác. Trên thế gian có nhiều nghề u ám và tội nghiệp, nghề khuân củi cho lò thiêu người chết cũng có thể được liệt kê. Tuy nhiên cái lò thiêu tối thui ấy vẫn còn là nơi sang trọng cho người đã khuất. Ở nhiều nơi trên đất Ấn, dân nghèo vẫn phải tự sắp xếp việc hỏa thiêu cho người quá cố ngay bờ sông cạnh nhà chứ không có tiền làm dịch vụ. Nhưng vì nghèo nên tiền mua củi cũng hạn chế. Củi ít, xác người cháy không hết nên người nhà hoặc là cứ bỏ đó về, hoặc thảy luôn xuống sông. Loài chó hoang Ấn Độ có thói quen ăn được cả xác người cháy dở, có lẽ đến người cũng đói rạc thì chó còn đói hơn.
Một số làng quê Ấn Độ vẫn còn phong tục kiêng không hỏa thiêu 4 đối tượng mà họ cho là chết thiêng, ấy là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ treo cổ chết, người chết vì bị rắn cắn hoặc độc dược. Những thi thể chết thiêng này sẽ được thả trôi sông một cách tự nhiên. Nên đi thuyền dọc sông Hằng mà thi thoảng có bắt gặp một xác chết trôi sông là chuyện bình thường với người xứ họ, mặc dù sẽ là chuyện kinh hoàng đối với du khách nước ngoài. Chó hoang mà đánh hơi thấy xác chết trôi qua là nửa đêm tùm tũm bơi nước lại gần ăn xác người, nên tiếng sủa của chó xứ này cũng không giống như bình thường, nhác như chó cắn ma. Đêm đêm chúng lang thang dọc bãi đất hoang trên bến sông ngay trước cổng trường và tru lên một cách quái đản khiến mấy anh trai tráng chuyên đi làm thuê khắp chốn rừng thiêng nước độc cũng đâm mắc chứng mất ngủ. Việc này báo chí nước ngoài đưa tin nhiều nên tôi xác nhận đây không phải chuyện tán gẫu bịa đặt.
Sông Hằng vì thế được coi là một con sông đầy rẫy linh hồn. Nhiều du khách còn cho rằng người yếu bóng vía mà đi tham quan sông Hằng phải rất cẩn thận kẻo bị... vong ám.
...Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua tất cả những câu chuyện ủ ê, rùng rợn đó và đừng có dán mắt vào những người phụ nữ mặc sari nghèo khổ, lam lũ, những người đàn ông đen đúa, bẩn thỉu và những đứa trẻ ngơ ngác trên những bậc Ghat đầy rác và phân động vật, mà hãy đưa mắt ngắm nhìn những tòa nhà cổ kính, những ngôi đền Hindu đủ mọi kiến trúc dọc bến sông và cả bờ bên kia nữa, nơi bãi bồi hoang sơ lún phún những đốm hoa vàng tinh khiết như chưa từng có người đặt chân đến, sẽ thấy sông Hằng tự ngàn đời đã song hành cùng nền văn minh Ấn Độ để làm nên một bề dày văn hóa đáng ngưỡng mộ của xứ sở này.
...Người Hindu tin rằng nước sông Hằng có thể chữa được bách bệnh nên họ tắm trong nó và uống nó hàng ngày. Điều đó không phải không có cơ sở vì các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều khoáng chất và nguyên tố vi lượng có trong nước sông, đấy là những hợp chất từ trên dãy Hymalaya đã ngấm vào nước thượng nguồn rồi đổ xuống thành sông. Tuy nhiên khi chảy dần về hạ lưu, nước sông càng lúc càng bị ô nhiễm và không còn tác dụng gì cho sức khỏe nữa, thậm chí là ngược lại.
Từ lúc còn trên bờ, tôi đã bị đeo bám bởi những đứa trẻ chào mời mua đĩa hoa nến để thả xuống sông. Lên thuyền cũng không thoát được cảnh đó. Những người đàn ông chăm chỉ làm thương mại đã ở sẵn trên thuyền, người mang theo lồng chim phóng sinh, người gánh thùng cá phóng sinh và người thì ôm một rổ hoa đĩa. Nài mãi, cuối cùng chúng tôi cũng bị thuyết phục. Mỗi người mua một đĩa hoa cúc bé xíu có ngọn nến tí hon ở giữa. Tôi thắp nến lên và thả đĩa hoa xuống dòng sông màu xanh lục. Những đĩa hoa rời thuyền trôi lênh đênh trên con nước lặng sóng. Tôi nhìn hút theo những đĩa hoa xa dần, có lẽ với trọng lượng nhẹ bẫng, chúng cứ trôi thế mãi mà không chìm, rồi sẽ theo dòng nước mà chảy qua Bangladesh xuống hạ lưu để cuối cùng, đổ ra biển lớn: Vịnh Bengal. Biết đâu đấy, đĩa hoa của tôi sẽ thoát khỏi con sông tù túng và ô nhiễm này mà lênh đênh trên đại dương trước khi rữa cánh về với trời.
(*) In trong tập Cô đơn trên Everest, NXB Hội Nhà văn và công ty Liên Việt phát hành năm 2020