Bình hoa đất sét và cành đào Tết

08-02-2019 17:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà văn Nguyễn Ðịch Dũng (1925-1993), quê Phù Lưu, Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhiều năm phụ trách phần Văn nghệ của báo Nhân Dân. Tác phẩm chính: Hai vợ (truyện ngắn, 1960), Trai làng Quyền (truyện ngắn, 1965, 1987), Người ở nhà (tiểu thuyết, 1974), Doan (truyện ngắn, 1979).

Cây đào bên thềm nhà đã phơn phớt vài cành hoa nở sớm. Nếp nhà ngói cổ vẫn rêu phong trầm mặc. Cái sân gạch đây đó đã long mạch. Một vài nhánh mạ con đâm chồi từ kẽ mạch. Ông ngồi lặng lẽ và say mê bên cái bàn xoay tự chế bằng miếng gỗ tạp. Một cối đất sét tươi hồng. Đôi tay ông nặn nặn, xoa xoa. Môi ông ngậm điếu thuốc lá cuốn lấy, phì phèo khói. Đôi mắt ông rực sáng. Cái ánh sáng ở đôi mắt kia, như chới với, reo cùng đường nét chiếc bình hoa đất sét đang được làm dang dở.

Nhà văn Nguyễn Địch Dũng.

Nhà văn Nguyễn Địch Dũng.

- Cậu biết đất làm bình gốm này lấy ở đâu không? Đất sét Cầu Nét đấy. Chỉ đất sét Cầu Nét mới có vẻ đẹp kỳ diệu này!

Ông nói, đoạn lại bập bập, rít cho hết điếu thuốc. Ông mời tôi uống nước. “Mình mày mò từ sáng sớm đến giờ đấy!”.

Khi ấy, nắng đã quá đỉnh đầu. Bóng râm giọt gianh mái ngói đã đổ vệt dài xuống sân gạch cũ. Chuyến tàu chiều ngược Lạng Sơn đã rúc còi rền rĩ ngoài ga Từ Sơn. Làng Phù Lưu đã xốn xang bước chân người tan buổi chợ Giầu.

Đấy là ngày nghỉ của ông. Sau một tuần làm việc căng thẳng ở ngoài Hà Nội, ông dành trọn vẹn cả ngày chủ nhật về quê sống với người vợ hiền thục, sống với mái nhà ngói rêu mốc, sống với cái bể nước mưa trong veo nép dưới giàn trầu không. Và ông có thú vui chuyện trò cùng đất sét. Tôi cảm thấy, khi ấy, chỉ có đất mới hiểu ông.

- Mình vốn  học  Trường Mỹ thuật. Ấy trời run rủi sao mình lại đi làm báo, làm văn.

Thì ra thế, không phải bỗng dưng ông dành cả ngày chủ nhật đạp xe lên Nét chở đất về, rồi ngâm, rồi ủ, rồi nhào trộn, rồi vật thành cối đất để tuần sau lại về, để chuốt, để nặn ra các bình hoa theo ý thích của chính mình.

Cái làng Phù Lưu của ông, như tự xửa xưa, cánh đàn ông thật nhàn tản, đàn bà con gái thì con cón chợ xa chợ gần kiếm tiền về nuôi chồng con. Nhưng những người con gái Phù Lưu không chỉ nức tiếng về đảm đang tháo vát, mà còn nổi tiếng là “mảnh mai hay hạt”, là duyên dáng và sắc nước. Người vợ đảm của ông, thời thiếu nữ vốn là cô gái đẹp và dịu dàng. Tuy tuổi cao, bà vẫn là chủ nhiệm hợp tác xã thủ công mỹ nghệ của làng. Bà tháo vát lo hết công to việc lớn trong nhà, để ông dồn tâm sức viết văn làm báo.

Ông ngún hết điếu thuốc. Lại vê tiếp điếu khác, lại châm lửa hút tiếp. Thuốc lá là nhu cầu không thiếu được với ông. Tôi toan hỏi ông về một vài người này người kia là mẫu nhân vật trong các truyện ngắn của ông, trong tập Trai làng Quyền. Nhưng ông lại hỏi “Cậu có biết giá trị của đất sét này không? Nó có vẻ đẹp sâu đằm, mà lộng lẫy. Nó quánh đặc, mà lại xốp. Đố họa sĩ nào pha được cái màu kỳ lạ này!”. Tôi ngắm nhìn những chiếc bình hoa ông nặn bằng đất sét Cầu Nét. Nghe ông giảng giải, tôi mới hiểu thêm vẻ đẹp của nó. Trước kia, tôi chỉ biết cầu Nét là cây cầu bắc qua sông đào Ngũ huyện. Qua bên kia sông, là làng quê bà ngoại của tôi. Làng nhỏ bên sông có nghề nấu kẹo mầm rất ngon. Tuổi thơ mỗi bận theo mẹ tôi về thăm bà ngoại, qua cầu Nét, mẹ tôi lại lẩm nhẩm như đọc câu thần chú “Cơn mưa cầu Nét quét nhà không kịp. Con lạy trời đừng đổ mưa để mẹ con con qua sông...”. Bà ngoại tôi, mẹ tôi giờ đã khuất núi. Con sông vẫn trơ màu bùn đất. Tôi đâu biết moi sâu qua lớp bùn đất kia, là lớp đất sét có màu đỏ sậm hồng hồng thâm nghe cái giá trị và vẻ đẹp của đất sét ấy.

Làng Phù Lưu quê ông, cái làng cũng đặc biệt. Làng có nhiều người làm quan, buôn bán giỏi, nhưng  lại có hai nhà văn danh tiếng. Ấy là ông Kim Lân và ông Nguyễn Địch Dũng. Nếu kể rộng ra, phải nhắc tới tên các ông Hoàng Tích Chu, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chỉ... và ông Thúy Toàn, Hoàng Hưng sau này. Lại còn có ông nhạc sĩ Hồ Bắc, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy kỳ tài. Đó là những nhà văn hóa của làng, của nước.

Ông Dũng và ông Lân cũng có nét hao hao như nhau. Cả hai ham và làm văn chương rất sớm. Cùng xuất phát từ làng quê ven phố huyện, có được học hành rồi làm văn chương, sớm theo cách mạng. Ông Kim Lân sinh năm 1921, ông Nguyễn Địch Dũng sinh năm 1925. Nhà hai ông cách nhau một sân đình rộng, có gốc đa gốc đề cổ thụ, lá xanh um quanh năm và mùa xuân mở hội làng có rước xách linh đình ở đấy. Trước cách mạng, ông Dũng có theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật. Sau cách mạng, ông sớm đi làm báo, làm công tác tuyên huấn. Hòa bình lập lại (1954), ông Nguyễn Địch Dũng về công tác liên tục ở báo Nhân Dân cho đến khi ông nghỉ hưu. Trước khi về phụ trách phần Văn hóa văn nghệ của báo Nhân Dân, ông là phóng viên chuyên viết về nông thôn. Có lẽ vốn sống tuổi thơ, vốn sống thực tế báo chí, đã dẫn ông tới mảng sáng tác văn học về đề tài nông thôn.

Ông là người viết không nhiều. Hai vợ, tập truyện ngắn, 1960. Trai làng Quyền, tập truyện ngắn, 1962. Người ở nhà tiểu thuyết, 1974. Doan tập truyện ngắn, 1979. Nhưng truyện nào của ông cũng có phong vị riêng. Đọc truyện nào của ông, tôi cũng thấp thoáng nhận ra cảnh trí làng xóm và con người dân quê ông. Đó là những tác phẩm văn học viết về nông thôn thật đặc sắc, không lẫn với bất kỳ tác phẩm của các nhà văn khác. Có người nói “Nguyễn Địch Dũng đi sâu trong mỗi con người, mỗi cuộc sống. Những mối quan hệ gia đình, chòm xóm, tình vợ chồng, mẹ con... để rồi từ khuôn khổ gia đình, riêng tư mở rộng ra những vấn đề chung, những mối quan hệ xã hội rộng lớn, theo xu hướng thành tâm khẳng định cái mới, cái đẹp của cuộc sống”. Đọc những nhận định trên, tôi thấy rất đúng với ông. Nhưng tôi lại nghĩ giản dị khác, là ông đã phác họa đúng cái vùng quê Từ Sơn của tôi. Cụ thể hơn, là cái làng Phù Lưu quê ông. Ở đấy, một làng cổ, hội hè đình đám linh đình, nhiều hủ lậu và nhiều cách tân. Thân phận người phụ nữ thời  nào vẫn còn vất vả. Còn cánh đàn ông xưa vẫn  đầy thủ cựu, ham hố, thích làm lý trưởng, chánh tổng, ông cai, ông ký... Ấy là cái vòng tục lụy công danh quyền chức nó sai khiến. Rồi cỗ bàn rượu chè, trà thuốc, tổ tôm. Ông là người cũng đặc biệt. Một tuần làm việc cật lực ở tờ báo lớn nhất nước, ngày nghỉ, lại về cái làng quê thân yêu của mình, la cà chè thuốc nhà này nhà kia, có khi sẵn sàng nhập chiếu tổ tôm thâu đêm, để nghe chuyện làng, hiểu thêm về làng. Rồi ông lại lặng lẽ đưa người và cảnh làng quê mình vào trang sách khi nào không rõ. Những trang sách của ông, câu chữ mộc, mà  tươi rói, sống động.

Nhiều người ở cùng cơ quan ông đều thừa nhận ông là người thẳng thắn, khí khái. Nhà thơ Thợ Rèn, người từng cùng làm báo lâu năm với ông, đã nói “Cách sống của ông Nguyễn Địch Dũng đã tới độ Lão Trang”.

Có một vài lần tôi tò mò hỏi ông là ông dành thời gian sáng tác vào lúc nào? Ở cơ quan thì bận thế. Về quê, lại đắm say vào nặn bình hoa đất sét để chơi và tập tục cỗ bàn làng xóm kéo ông đi. Ông không trả lời rành mạch, mà chỉ cười. Có lần tôi được ông cho xem bản thảo một truyện ngắn ông đang viết dở. Nhìn những gạch gạch xóa xóa mà tôi phát khiếp với tinh thần lao động của ông.

Tôi còn nhớ lời ông khuyên tôi “Đã làm văn chương, phải sống hết mình và viết hết mình. Mỗi nhà văn, nên đào sâu vào một mảnh đất của chính mình”.

Ông nói nhanh và gọn. Rồi ông lại cắm cúi với cái bình hoa đất sét mà ông đang nặn dở. Vân đất mơ hồ ánh lên sau bàn tay chuốt, ông cười khoan khoái. Thì ra, sau bao họp hành căng thẳng, bao số liệu báo cáo chồng chất rối mù, bao đời thường rình rập và cám dỗ của phố phường, ông lại lánh mình về cái làng cổ ven chợ huyện của ông. Khi rảnh rỗi ông lại chơi với đất. Tôi cảm thấy những tảng đất sét kia như nhận được ngôn ngữ của ông, tình cảm của ông. Và những bình đất sét kia lung linh biết bao, khi có cành hoa đào ngày Tết đặt vào.

Tôi còn nhớ lời ông khuyên tôi: “Đã làm văn chương, phải sống hết mình và viết hết mình. Mỗi nhà văn, nên đào sâu vào một mảnh đất của chính mình”.

Ông nói nhanh và gọn. Rồi ông lại cắm cúi với cái bình hoa đất sét mà ông đang nặn dở.

Nhà thơ Vũ Từ Trang
Ý kiến của bạn