Bình Dương nỗ lực cải thiện chỉ số PCI ra sao?

06-11-2023 14:01 | Xã hội
google news

Năm 2023, với quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển DN, Bình Dương đặt mục tiêu đưa Chỉ số PCI trở lại TOP 10 trong năm 2023.

Bình Dương nỗ lực cải thiện chỉ số PCI ra sao? - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm và khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI cho rằng, cải thiện PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh)  là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Và để làm được điều này, Bình Dương cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đó là làm sao để thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, cán bộ công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn.

Giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp là đưa hình ảnh Bình Dương năng động, sáng tạo đi xa, vươn cao

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh thẳng thắn, nâng cao chỉ số PCI không phải để "chạy theo" thứ hạng, mục tiêu hướng đến là tính hiệu quả thực chất, xác định là khâu đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở ngành liên quan cùng các địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) hơn nữa, rút ngắn thời gian cấp Giấy phép đăng ký doanh nghiệp.

Bình Dương nỗ lực cải thiện chỉ số PCI ra sao? - Ảnh 2.

UBND tỉnh Bình Dương làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Thống kê thủ tục đăng ký doanh nghiệp bị trả lại, chủ động liên hệ hướng dẫn doanh nghiệp, tăng cường công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho DN. Thực hiện minh bạch trong đấu thầu và tăng cường phòng, chống tham nhũng; hỗ trợ cung cấp hồ sơ hướng dẫn rõ ràng cho DN; thực hiện tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…

Theo Báo cáo kết quả Chỉ số PCI năm 2022 tiếp tục phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp ở Bình Dương đã gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và nhiều diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, Chỉ số PCI của tỉnh Bình Dương có sự sụt giảm điểm đáng kể, đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 30 bậc so với năm 2021). Kết quả đánh giá cho thấy, chỉ có 01 chỉ số thành phần tăng điểm; 09 chỉ số còn lại đều giảm điểm.

Trong đó, đáng chú ý là chỉ số gia nhập thị trường (đạt 6,32 điểm, giảm 0,06 điểm; trung vị cả nước là 6,95 điểm), thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Một số chỉ tiêu giảm điểm như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) (trung vị) giảm 0,5 ngày, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố; thời gian thay đổi nội dung ĐKDN (trung vị) tăng 4 ngày, từ 6 ngày đến 10 ngày, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành.

Chỉ số thành phần gia nhập thị trường đánh giá dựa trên kết quả phản ánh của DN về một số thủ tục đăng ký thành lập DN và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động. Nếu được tạo thuận lợi thì không chỉ DN được hưởng lợi, mà chính địa phương cũng được hưởng lợi sau khi DN đi vào hoạt động. Nút thắt tồn tại và khó tháo gỡ nhất đã được chỉ ra hiện nay là tính liên thông, liên ngành trong giải quyết các vướng mắc hồ sơ cho DN.

Về phía ngành công thương, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để cải thiện Chỉ số PCI, trước hết cần quan tâm Chỉ số thành phần gia nhập thị trường, chỉ số này đóng vai trò rất quan trọng.

Do đó, Bình Dương cần có cơ chế liên thông, phối hợp giữa các sở ngành trong giải quyết TTHC cho DN. Đối với những hồ sơ vướng mắc phát sinh liên quan giữa các sở ngành, hầu như DN phải tự liên hệ để xử lý, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí, thời gian của DN. Các sở ngành cần phải cùng ngồi lại với nhau để giải quyết cho DN. Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch công khai về hồ sơ tiếp nhận xử lý; danh sách số hồ sơ trả lại, nêu rõ nguyên nhân, lý do trả hồ sơ cũng như thông báo thời gian giải quyết cụ thể đối với hồ sơ tồn đọng.

Tiếp cận đất đai cũng là chỉ số thành phần quan trọng giúp tỉnh cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư. Vấn đề tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình sử dụng đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trước khi quyết định đầu tư. Năm 2022, ở chỉ số thành phần này, Bình Dương đạt 7,06 điểm (giảm 0,15 điểm); trong đó, có 9/14 chỉ tiêu thành phần giảm điểm; xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố (giảm 1 bậc), trung vị cả nước là 6,98 điểm.

Ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lý giải, Sở đã có nhiều nỗ lực để đạt được kết quả tốt trong cải cách TTHC.

Tuy nhiên, do lĩnh vực đất đai nhạy cảm, phức tạp, trong khi chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, mặc dù được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; các văn bản hướng dẫn của Trung ương đôi lúc chưa kịp thời gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xử lý các nội dung chuyển tiếp, giao thời giữa luật cũ và mới chưa được hướng dẫn giải quyết triệt để; một số quy định chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng,... dẫn đến những khó khăn nhất định trong giải quyết thủ tục liên quan đất đai.

Không để thủ tục hành chính là rào cản

Công bằng đánh giá, lĩnh vực tiếp cận đất đai Bình Dương vẫn có những điểm sáng tích cực: Số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trung vị) giảm 27,5 ngày, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành trên cả nước, DN không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh tăng 22%; DN đánh giá rủi ro bị thu hồi đất giảm 0,13%; thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Bình Dương nỗ lực cải thiện chỉ số PCI ra sao? - Ảnh 3.

Người dân đến làm TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương luôn đôn đốc vài giám sát việc giải quyết TTHC để đưa vấn đề này có bước cải thiện, song nghiêm túc nhìn nhận vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực còn gây phiền hà, khó khăn cho DN như đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn chồng chéo, phức tạp, doanh nghiệp ít nắm được những thông tin liên quan.

Mặc khác, hệ thống trang thiết bị phục vụ giải quyết TTHC cho người dân, DN tại Bộ phận một cửa chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cán bộ, công chức, người dân. Hệ thống xử lý TTHC thường xuyên phát sinh lỗi, gây ách tắc trong quá trình xử lý, vận hành bộ máy để giải quyết trả kết quả cho DN.

Cùng với đó, cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu DN đang trong giai đoạn thiết lập hoặc làm "sạch" nên quá trình thực hiện các dịch vụ công còn khó khăn nhất định; do các quy định về bảo mật, xác thực thông tin. Vì vậy DN chưa đánh giá cao việc thực hiện TTHC trực tuyến sẽ giúp DN tiết giảm thời gian, chi phí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo các chỉ số thành phần bị giảm điểm.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng công việc nhiều, thường xuyên phát sinh đột xuất nhiệm vụ mới ngoài các nhiệm vụ được phân công theo quy định pháp luật và số lượng hồ sơ phải giải quyết trong ngày nhiều. Với số lượng được phân công phụ trách tại bộ phận Một cửa khó có thể thực hiện tốt công tác chuyên môn và nhiệm vụ được phân công (không đảm bảo được số lượng, thời gian xử lý hồ sơ). Điều này gây áp lực lớn đối với việc đăng ký doanh nghiệp, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến sự hài lòng của DN, làm ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở ngành liên quan cùng các địa phương đơn giản hóa TTHC hơn nữa, rút ngắn thời gian cấp Giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Thống kê thủ tục đăng ký doanh nghiệp bị trả lại, chủ động liên hệ hướng dẫn DN; tăng cường công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho DN. Thực hiện minh bạch trong đấu thầu và tăng cường phòng, chống tham nhũng; hỗ trợ cung cấp hồ sơ hướng dẫn rõ ràng cho DN; thực hiện tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…

Dù Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh Bình Dương có sụt giảm nhưng theo báo cáo của VCCI, Bình Dương vẫn có những điểm sáng về môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, cơ sở hạ tầng tiếp tục là thế mạnh của tỉnh (đứng vị trí thứ 3 cả nước). Bình Dương cũng nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ DN có vốn đầu tư nước ngoài có dự án mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất.

Với thế mạnh sẵn có cùng với quyết tâm đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, tin rằng Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. 

 

 

 


Kinh Oanh – Yến Nhi
Ý kiến của bạn