Khi cuộc sống bình thường quay trở lại, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng lên những hạn chế của y tế Bình Dương bộc lộ rõ hơn.
Nhìn nhận được điểm yếu của ngành y tế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo góp ý cho “Đề án Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh đến năm 2030”. Cuộc hội thảo với sự tham dự của GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế... cùng nhiều chuyên gia về y tế, quy hoạch y tế.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Nguyễn Hồng Chương, dự báo quy mô dân số tỉnh này hơn 3,5 triệu người vào năm 2030, để đạt chỉ tiêu 29 giường bệnh/10.000 dân, 11 bác sĩ/10.000 dân, tỉnh Bình Dương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh, với hơn 1.900 bác sĩ.
Trong khi đó, hiện Bình Dương có 8.880 nhân viên y tế với tỷ lệ 7,51 bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh là 5.202 giường với tỷ lệ 20 giường/10.000 dân.
Các tỷ lệ và chỉ tiêu này còn thấp so mục tiêu của Bộ Y tế đề ra. Công tác phát triển nhân lực trong thời gian qua còn có những bất cập so với yêu cầu hoạt động của ngành y tế, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh....
Từ những lý do trên, xây dựng Đề án Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030 là cần thiết.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bình Dương xác định sức khỏe người dân là trung tâm, đặt người dân làm chủ thể, phát triển ngành y tế Bình Dương là để phục vụ người dân.
Nguồn nhân lực y tế là then chốt, là điều kiện quyết định đến thành công của Đề án. "Do đó, cần tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và có chế độ chính sách đãi ngộ đặc biệt", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng với số bác sĩ là 7,5/10.000 dân hiện nay của Bình Dương còn quá thấp và gợi ý tỉnh phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn nhưng lưu ý cần có sự phối hợp, kết nối, hỗ trợ từ các trường đại học y dược trong cả nước như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Dược Cần Thơ... và các cơ sở đào tạo trong khu vực để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế của Bình Dương.
"Ngoài việc đào tạo bác sĩ cũng cần chú trọng đào tạo điều dưỡng cũng như các chuyên ngành khác để đảm bảo nhu cầu cán bộ y tế theo từng chuyên khoa, từng lĩnh vực", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn lưu ý.
Theo dự thảo đề án, mục tiêu tỉnh Bình Dương đến năm 2030 sẽ phát triển tối thiểu 5.000 giường bệnh; trong đó thành lập mới 4 bệnh viện chuyên khoa; nghiên cứu phát triển trung tâm tim mạch, trung tâm ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh; xây mới bệnh viện tuyến cuối quy mô 2.000 giường; đào tạo và tuyển dụng mới 2.500 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên…
Các đại biểu tham dự hội thảo còn trao đổi thẳng thắn nhiều nội dung liên quan như: triển khai bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường và trường đại học sức khỏe với diện tích 50 ha tại huyện Bàu Bàng, mô hình tổ chức hoạt động y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 41/2021 của Quốc hội, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh gồm: Nhi, Phụ sản, Lao phổi truyền nhiễm, Tâm thần.
Giải pháp thu hút, giữ chân bác sỹ công tác lâu dài, đào tạo thu hút chuyên ngành điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên; giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; tính liên kết, phát triển y tế vùng Đông Nam Bộ, vị trí, vai trò của ngành y tế Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhìn nhận, việc xây dựng Đề án với tinh thần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tạo điều kiện giúp ngành y tế tỉnh phát triển nhằm mục tiêu cuối cùng là chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Với sự góp ý của các đại biểu vào dự thảo đề án, tập trung những vấn đề cốt lõi, trọng tâm, phù hợp đặc điểm của tỉnh Bình Dương, cũng như bổ sung đầy đủ cơ sở khoa học, pháp lý sẽ giúp tỉnh tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi của Đề án Phát triển ngành y tế tỉnh đến năm 2030.