Tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định. Tính chung cả 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ; thu, chi ngân sách đảm bảo theo dự toán; dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào Bình Dương ở 6 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 1,66 tỷ đô la Mỹ, chiếm 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 939,03 triệu đô la Mỹ, chiếm 35,82% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa… Đan Mạch đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư tại Bình Dương là 1,32 tỷ đô la Mỹ, chiếm 50,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; Hà Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 609,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư là 258,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Seychelles, Hoa Kỳ…
"Bình Dương luôn trân trọng và coi thành công của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của Bình Dương. Chính quyền tỉnh sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư tại Bình Dương. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, phát triển logistics, xây dựng TP thông minh Bình Dương, Vùng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là xây dựng Khu công nghiệp Khoa học công nghệ để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới".
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh
Để đạt được những kết quả nổi bật trong thu hút FDI, trong những năm qua, Bình Dương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nhất là đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính phục vụ các nhà đầu tư.
Giải quyết thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả trên các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, giải quyết các thủ tục về tranh chấp, thi hành án và các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản… được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện, trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả nhất. Cùng với đó, thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương gắn với xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo nhằm tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư có trình độ khoa học - công nghệ cao hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều năm liền, Bình Dương được đánh giá là địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng và tính tiên phong, năng động của chính quyền đứng đầu cả nước. Đây là điều kiện rất tốt để Bình Dương thu hút đầu tư.
Để 2 tháng cuối năm Bình Dương hoàn thành tốt các chỉ tiêu KTXH, UBND tỉnh Bình Dương đề ra những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày. Xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ.
Đảm bảo tiến độ kế hoạch xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời lập quy hoạch riêng để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất thành lập các khu công nghiệp theo quy định. Xử lý những tồn đọng tại các khu đô thị, khu dân cư đang gây bức xúc trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự đô thị.
Song song đó, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; chủ động phòng, chống dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác; tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19; triển khai chủ trương thành lập trung tâm mua sắm thuốc, vật tư y tế tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chỉ ra một số khó khăn, tồn tại và thách thức đang đặt ra, đó là các mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như gỗ, da giày, dệt may gặp phải nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường xuất khẩu sụt giảm.
Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, tình hình an ninh trật tự liên quan đến các dự án bất động sản có dấu hiệu phức tạp…. Ông Võ Văn Minh yêu cầu, các cấp, các ngành của địa phương cần quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa trong 2 tháng còn lại của năm 2022.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và hiệu quả hơn.
Bình Dương tiếp tục sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn của tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.