Phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương.
PV: Ông nhận định như thế nào về tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn Bình Dương hiện nay?
BS Huỳnh Minh Chín: Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 938 ca bệnh (giảm 21% so với cùng kỳ 2022), trong đó có 02 trường hợp tử vong (TP. Thuận An).
Riêng trong 4 tuần gần đây (từ 19/5 đến 15/6) ghi nhận 548 ca mắc, tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đó.
Đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn là số ca mắc có xu hướng tăng nhanh, song vẫn đang được kiểm soát.
PV: Việc gia tăng số ca mắc trong các tuần gần đây tập trung ở các đối tượng nào, khu vực nào, nguyên nhân vì sao?
BS Huỳnh Minh Chín: Hiện nay các ca mắc tập trung chủ yếu ở các địa phương như Thuận An 227 ca; Dĩ An 236 ca; Thủ Dầu Một 165 ca; Tân Uyên 129 ca; Bến Cát 91 ca, Bắc Tân Uyên 49 ca. 02 trường hợp tử vong đều là bệnh nhi tại TP.Thuận An.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, được đánh giá là có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch rất cao, đặc biệt là trong những môi trường đông trẻ em.
Trong khi đó, các địa phương có số ca mắc cao hầu hết là nơi tập trung đông nhà máy, khu công nghiệp, nhiều người dân sinh sống trong các khu tập thể, nhà trọ…
Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức của con người, đặc biệt là việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường có nơi chưa đảm bảo.
Nhiều gia đình chủ quan, không đưa trẻ tới cơ sở y tế thăm khám khi có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, dẫn đến bệnh diễn biến nặng.
PV: Công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai cụ thể tới người dân địa phương ra sao?
BS Huỳnh Minh Chín: Khi bắt đầu tiếp nhận các ca bệnh tay chân miệng xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Bình Dương đã tiến hành lấy mẫu sàng lọc chủng virus.
Ngay khi có kết quả, xác định rõ tại địa bàn tỉnh đã xuất hiện chủng virus EV71, nhận định rằng đây là chủng virus nguy hiểm có thể gây ra bệnh tay chân miệng, chúng tôi đã họp và chỉ đạo cho các cơ sở khám chữa bệnh về công tác phòng chống dịch.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành Y tế tỉnh vẫn duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát, xét nghiệm phát hiện ca bệnh và xử lý kịp thời, khống chế các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh triển khai giám sát chặt chẽ các biến thể virus mới.
Tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý các ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong, thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống.
Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng cho nhân viên y tế.
Đối với các địa phương, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, chú trọng tại các khu có nguy cơ cao, có nguy cơ bùng phát dịch như các khu trọ, chung cư có mật độ dân cư cao.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới người dân như họp tổ dân phố, phát trên loa phát thanh phường, xã, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, báo chí, đài truyền hình.
Phối hợp ngành Giáo dục – Đào tạo chủ động tổ chức truyền thông tại các trường học về bệnh tay chân miệng, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục, đào tạo có đủ các phương tiện vệ sinh an toàn, đúng cách và thuận tiện nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các điểm trường.
PV: Thưa ông, mới chỉ đang bước vào đầu mùa của bệnh tay chân miệng, có nguy cơ bùng phát thành dịch ở Bình Dương không? Nếu dịch bùng phát, tỉnh sẽ có những kịch bản nào để đối phó?
BS Huỳnh Minh Chín: Số ca mắc trên toàn tỉnh là 938 ca bệnh, trong đó có 33 ca diễn biến nặng, 02 ca tử vong, cùng với sự xuất hiện của sự xuất hiện của virus Entervirus (EV71) ở một số trường hợp bệnh, tốc độ lây lan trong các tuần gần đây nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.
Hiện tại, ngành y tế tỉnh vẫn đang kiểm soát được tình hình phòng, chống bệnh trên toàn địa bàn. Sở Y tế Bình Dương đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, phối hợp các ban ngành theo dõi đánh giá mức độ lây nhiễm, không để bị động trước những diễn biến mới của bệnh.
Đồng thời bám sát chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.
PV: Hiện nay đang là mùa mưa ở các tỉnh phía Nam, sốt xuất huyết bắt đầu có những ca bệnh đầu tiên, TP. Hồ Chí Minh cũng phát đi cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch, liệu tình hình này có xảy ra trên địa bàn Bình Dương?
BS Huỳnh Minh Chín: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng, song song đó đang vào mùa mưa dịch sốt xuất huyết có chiều gia hướng tăng, rất có khả năng dịch tăng mạnh trên địa bàn tỉnh, nên UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành văn bản tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, trong đó lưu ý tập trung vào việc xử lý các vật chứa nước nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
Vận động người dân đồng hành với chính quyền tích cực tham gia tìm kiếm và loại bỏ vật chứa nước ngay tại chính nơi ở của mình.
Ngành y tế đang huy động mọi nguồn lực tham gia kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng.
Đồng thời, kiên quyết xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ trong khu vực mình quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông