Bình Dương giữ "vùng xanh" ra sao?

22-07-2021 12:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bình Dương thực hiện “vùng xanh” cùng với TP. Hồ Chí Minh tạo thành vành đai an toàn, chống dịch thành công, mở rộng sản xuất.

Rõ - Nghiêm - Chắc - Hiệu quả

Một số địa phương phía Bắc của tỉnh Bình Dương đang giữ được những “vùng xanh” an toàn là các huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo và TX.Bến Cát.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với những địa phương phía Bắc của tỉnh đang là những “vùng xanh”, tỉnh kiên quyết giữ chặt địa bàn, ngăn chặn dịch lây lan từ các địa phương phía Nam và các tỉnh vào.

Lực lượng công an, quân sự phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát 24/24 giờ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, khu phố; kiên quyết không để tình trạng “chặt bên ngoài, lỏng bên trong”.

Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn.

Khu nhà ăn công nhân của doanh nghiệp tại Bình Dương

Thành phố, thị xã phía Nam của Bình Dương gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên là những “vùng đỏ”, lây nhiễm cao, có mức độ lây lan rộng, tỉnh thực hiện giải pháp ở “2 mũi giáp công”.

Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ” đậm đặc có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”.

Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp với các biện pháp đồng bộ cô lập “vùng vàng” làm sạch để trở thành những “vùng xanh”.

Qua đó, các lực lượng từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam” xuống “vùng vàng” và nhanh về “vùng xanh” an toàn.

Để thực hiện chiến lược “vùng xanh”, Bình Dương triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh với nguyên tắc kết hợp giữa test nhanh kháng nguyên với xét nghiệm PCR có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chính xác, hiệu quả.

Để thực hiện thành công chiến lược này cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị với phương châm “Rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả”.

Theo ông Võ Văn Minh, “Rõ” là người dân, doanh nghiệp phải rõ được làm gì, không được làm gì trong thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và rõ trong kế hoạch tác chiến, chi tiết từng ngày. “Nghiêm” là bất kể ai vi phạm, cơ quan nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm khắc. “Chắc” là chắc chắn và phải giữ “vùng xanh” cho chắc, xét nghiệm chỗ nào thì chắc chỗ đó. Và cuối cùng là hiệu quả là trên hết.

Sàng lọc trên diện rộng

Cùng với việc triển khai một cách đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt các giải pháp khoanh vùng kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh, các địa phương phía Nam của tỉnh: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên đang liên tục ra quân lấy mẫu xét nghiệm diện rộng “bóc” các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Như TP.Dĩ An, Bình Dương đã huy động toàn bộ nguồn lực hoàn thành công tác lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR diện rộng cho khoảng 500.000 người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn các phường trực thuộc. Theo đó, TP.Dĩ An đã tổ chức 349 đội công tác với tổng cộng 689 thành viên tham gia lấy mẫu ở 120 điểm ở các phường.

TP. Thuận An cũng đồng loạt ra quân triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân ở các xã, phường trực thuộc. Theo đó, thay vì triển khai đồng bộ cùng thời điểm ở các phường, TP.Thuận An tổ chức các tổ công tác tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân theo thứ tự ưu tiên những khu vực có nguy cơ cao trước, những khu vực ít nguy cơ sau.

Bình Dương thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân trên diện rộng

Đến nay, TP.Thuận An đã tiến hành lấy 20.358 mẫu đơn và 8.270 mẫu gộp Realtime-PCR, thực hiện test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho khoảng 49.233 người. Tổng số người dân ở TP. Thuận An được lấy mẫu xét nghiệm đến nay ước tính khoảng gần 200.000 người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới...

Về điều trị, hiện tỉnh này đang rà soát kiện toàn hoạt động điều trị. Hình thành 3 lớp điều trị COVID-19 ở các khu nhà ở xã hội. Lớp 2, ở TTYT các huyện, thành phố, thị xã điều trị bệnh nhân nhẹ và trung bình.

Bà Đặng Hồng Thơm, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết, tỉnh đang lên kế hoạch dự kiến 4.000 giường. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia Bộ Y tế, tỉnh Bình Dương cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các tuyến với nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong điều trị.

Tỉnh Bình Dương hiện đang có 15 cơ sở y tế ngoài công lập có giường bệnh, nhân lực y tế hùng hậu, ngành y tế phải huy động lực lượng y tế, cơ sở vật chất hiện có để "chia lửa" với y tế công lập trong điều trị bệnh nhân.

 


Anh Văn
Ý kiến của bạn