Ngay từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã khẩn trương vào cuộc.
Bình Dương: Ý Đảng hợp lòng dân
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương được phân thành 02 dự án thành phần, đó là dự án thành phần 5 (xây dựng đường Vành đai 3 bao gồm nút Tân Vạn và cầu Bình Gởi) và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).
Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng Quốc gia. Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án là kết nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đang được triển khai thực hiện, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã triển khai các bước đầu trong công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị lựa chọn nhà thầu. Tổ chức khảo sát lập dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư; tổ chức khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng, đánh giá tác động môi trường.
Từ Qúy 3/2022, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương phối hợp với các địa phương tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại các buổi họp dân, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã thông tin về dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường cũng giải thích cho các hộ dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của dự án và kế hoạch công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi nghe chủ đầu tư công bố dự án, đa số người dân ủng hộ chủ trương của Đảng, Chính phủ thực hiện xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Đồng thời mong muốn chính quyền tạo mọi điều kiện về công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư để người dân an tâm sớm bàn giao mặt bằng triển khai dự án. Trong đó, chính quyền cần phải có phương án cụ thể để bố trí khu tái định cư cho người dân ở vị trí phù hợp và thuận tiện cho việc học tập cũng như ổn định cuộc sống của người dân ở địa điểm mới. Cần áp dụng giá đền bù phù hợp và không thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường.
Bình Dương đã tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh. Diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một khoảng 12,6 héc ta với kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.659 tỷ đồng; diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn TP.Thuận An khoảng 51 héc ta với kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.992 tỷ đồng; diện tích bị ảnh hưởng trên địa bàn TP.Dĩ An khoảng 22,2 héc ta với kinh phí khoảng 6.412 tỷ đồng.
Số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 1.496 trường hợp, trong đó có 518 trường hợp tái định cư. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một có khoảng 213 trường hợp bị ảnh hưởng (8 trường hợp tái địa cư); TP.Thuận An khoảng 775 trường hợp bị ảnh hưởng (khoảng 205 trường hợp tái định cư); TP.Dĩ An khoảng 508 trường hợp bị ảnh hưởng (khoảng 305 trường hợp tái định cư).
Tại các buổi nhận tiền bồi thường, đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đều đồng thuận với giá đền bù và cam kết sẽ bàn giao mặt bằng sớm để cơ quan chức năng khởi công dự án.
Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh công trình quan trọng của Bình Dương
Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, đến trước ngày động thổ dự án, công tác bàn giao mặt bằng để chuẩn bị động thổ 02 gói thầu đạt khoảng 70%. Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh là công trình kết nối vùng quan trọng nên lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ đạo quyết liệt. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng rất nỗ lực để vừa giải phóng mặt bằng, vừa thúc đẩy các thủ tục phê duyệt thiết kế, mời thầu… để đẩy nhanh dự án.
Trong quá trình chuẩn bị thực hiện, Ban đã tham mưu phân chia các gói thầu phù hợp thực tế và khả năng bàn giao mặt bằng để kịp khởi công công trình như dự kiến trước ngày 30/6/2023. Với khối lượng thi công lớn, tập thể Ban cùng các đơn vị tư vấn đã tập trung triển khai giai đoạn 1, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đấu thầu đối với 02 gói thầu (nút giao Bình Chuẩn - cầu Bình Gởi).
Đến nay, về cơ bản đã tổ chức xong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo quy định. Ban tiếp tục rà soát để hoàn thiện công tác chấm thầu đối với gói thầu cầu Bình Gởi, phấn đấu động thổ trong đầu tháng 7/2023.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, nút giao Bình Chuẩn trên đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh (giao với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thuộc TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) có tổng vốn đầu tư dự kiến 571 tỷ đồng. Đây là nút giao thông quan trọng, có nhiều xe tải, xe container qua lại. Ngoài cầu vượt, nút giao Bình Chuẩn sẽ được đầu tư cả hầm chui và đường song hành để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cầu Bình Gởi trên đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh vượt sông Sài Gòn (nối TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương và huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) có tổng vốn đầu tư dự kiến 665 tỷ đồng. Cầu Bình Gởi do tỉnh Bình Dương xây dựng, nhưng có khoảng 700m mặt bằng thuộc địa phận TP.Hồ Chí Minh.
Ông Trần Hùng Việt Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, đối với 02 gói thầu còn lại là nút giao Tân Vạn và đoạn tuyến từ nút giao Bình Chuẩn đến cầu Bình Gởi - đây là 02 gói thầu với khối lượng công việc và giá trị lớn, công tác khảo sát địa chất dọc tuyến bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng thời gian qua, do đó các đơn vị tư vấn vẫn đang tiếp tục hoàn thiện khảo sát, hồ sơ thiết kế kỹ thuật lập dự toán, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2023. Phấn đấu khởi công tiếp 02 gói thầu này trong cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2023, để đạt mục tiêu đề ra là các gói thầu được triển khai thi công đồng loạt trước năm 2023 và phù hợp với tình hình giải phóng mặt bằng toàn tuyến.
"Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, kết nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong Vùng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" – ông Trần Hùng Việt nói.
Tuyến đường Vành đai 3 nhằm mục tiêu kết nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại... Đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài khoảng 26,06km đi qua 03 địa phương TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An bắt đầu từ nút giao Tân Vạn đến cầu Bình Gởi gồm: Nút giao Tân Vạn có chiều dài 2,53km, đoạn Bình Chuẩn-sông Sài Gòn dài 8,23km, đoạn trùng đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km, quy mô 08 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật dự trữ mở rộng. Dự án có tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 13.528 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026. |