Tỉnh Bình Dương vừa có buổi làm việc với các chuyên gia quốc tế về công nghiệp bán dẫn. Buổi làm việc có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Điều này cho thấy sự quan tâm và "tham vọng" rất lớn của tỉnh Bình Dương đến sự phát triển công nghiệp bán dẫn.
Bình Dương điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp công nghệ cao và người lao động
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Bình Dương đã và đang phát triển mạnh mẽ từ nền kinh tế nông nghiệp trở thành thủ phủ công nghiệp của Việt Nam. Với vị trí chiến lược và quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, Bình Dương đã thu hút 4.347 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký lên đến 42 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh).
Không chỉ là nơi thu hút mạnh vốn đầu tư, Bình Dương còn liên tục dẫn đầu cả nước về phát triển cơ sở hạ tầng trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và được ICF vinh danh là Cộng đồng thông minh của năm - TOP 1 ICF 2023. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh. Chính nhờ những yếu tố này, Bình Dương đã trở thành điểm đến lý tưởng cho người lao động trên khắp cả nước, với hơn 52% dân số là người dân đến từ các tỉnh, thành.
Đại diện Tập đoàn Digitimes và các chuyên gia đã chia sẻ về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn và khu công viên khoa học. Những kinh nghiệm này gắn với thực tiễn định hướng của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, khi Tổng công ty Becamex IDC đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp toàn diện, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao. Với việc hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu công nghệ cao tại Thành phố mới Bình Dương và các khu công nghiệp khoa học - công nghệ khác với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp công nghệ cao.
Lắng nghe và ghi chép các ý kiến của các nhà khoa học, nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển dịch mạnh mẽ, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip và 1 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn vào năm 2030. Mới đây, tỉnh Bình Dương đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á và dẫn đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại.
Chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghệ bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn trở thành định hướng lớn mà tỉnh Bình Dương tập trung cho giai đoạn mới. Bình Dương đang triển khai các bước để xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu công nghệ cao rộng 220 hecta, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng đón các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Song song đó, thực hiện định hướng của Chính phủ đào tạo và đào tạo lại 50.000 kỹ sư cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, Bình Dương đã đề nghị các trường đại học xây dựng đề án đào tạo nhân lực, đồng thời tỉnh cũng xây dựng các chính sách của địa phương thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia tại buổi làm việc là kinh nghiệm quý báu để tỉnh từng bước xây dựng nền tảng trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn của khu vực. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các sở ngành cam kết kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối sân bay, cảng biển; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan; các chính sách hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao… đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.
Được biết, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, Bình Dương đã quan tâm đầu tư cho các cơ sở giáo dục. Hiện Bình Dương có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 2.632 nhà giáo, cán bộ quản lý (nhà giáo: 1.998 người; cán bộ quản lý: 634 người); trong đó, nhà giáo, cán bộ quản lý trong hệ thống các trường công lập chiếm 30,6%. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, tất cả các nhà giáo đều đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng được tăng cường; đào tạo gắn với việc làm, với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động được quan tâm đẩy mạnh, hiệu quả được nâng lên. Công tác xã hội hóa đem lại kết quả bước đầu đã thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập có bước phát triển, đóng góp tích cực cho thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về đào tạo nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng tăng. Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) lên 83% (năm 2023), trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,5% (năm 2014) lên 32% (năm 2023).
Việc gắn kết "3 Nhà" trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên như hỗ trợ nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo, mời những chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp,… Từ đó giúp việc đào tạo nghề được nâng cao chất lượng, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Bình Dương nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thu hút đầu tư chip bán dẫn, thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ phần mêm và các sản phẩm công nghệ số mới. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Tổng Công ty Becamex IDC, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách để Bình Dương thu hút được chuyên gia cũng như đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, đón đầu thu hút đầu tư thế hệ mới.
Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Mai Thế Mạnh