Hà Nội

Bình Dương cải cách hành chính là phục vụ người dân

18-10-2022 21:27 | Xã hội
google news

Tỉnh Bình Dương chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Bình Dương sự hài lòng người dân làm thước đo cho sự phấn đấu

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, kết quả chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) của tỉnh Bình Dương giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, đặc biệt năm 2021, tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 47,178/80 điểm, tăng 55 bậc so với năm 2020, đứng thứ 2 cả nước.

Bình Dương cải cách hành chính là phục vụ người dân - Ảnh 1.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương

Trong đó, 8 chỉ số nội dung PAPI của Bình Dương đều tăng điểm, có 7 nội dung được xếp ở Nhóm điểm cao nhất, 01 nội dung ở Nhóm điểm trung bình cao. Đây là bước đột phá hết sức ấn tượng, khẳng định sự nỗ lực, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm mục tiêu vận hành bộ máy chính quyền các cấp vì nhân dân phục vụ.

Những kinh nghiệm quý trong việc nâng cao chỉ số PAPI của Bình Dương được xác định như: Xây dựng các báo cáo phân tích kết quả từng tiêu chí, tiêu chí thành phần từng nội dung, lĩnh vực của chỉ số PAPI.

Phân tích được những mặt mạnh, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm tiếp tục duy trì những nội dung, lĩnh vực đạt điểm cao và cải thiện những nội dung, lĩnh vực giảm điểm hoặc không đạt điểm để chỉ số PAPI của tỉnh những năm tiếp theo tốt hơn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị gắn với các nội dung của Chỉ số PAPI đặt ra…

Đối với Kế hoạch cải thiện và nâng cao PAPI, Bình Dương đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với nhân dân; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kết quả chỉ số PAPI của tỉnh, phấn đấu chỉ số PAPI của tỉnh năm 2022 tăng bậc so với những năm trước. 

Năm 2021, Bình Dương dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về Chỉ số Cải cách hành chính

Nguồn: Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh được Trung ương đánh giá cao. Vì vậy, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục có sự quyết liệt hơn nữa để nâng cao các thứ hạng, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và cấp ủy Đảng.

Từng cấp ủy phải có chỉ thị, kế hoạch về CCHC, định lượng được chất lượng CCHC của địa phương, lấy sự hài lòng người dân làm thước đo cho sự phấn đấu; cần bố trí nguồn lực cán bộ "một cửa" chuyên nghiệp, tận tình phục vụ nhân dân. 

Chuyển đổi số là mũi nhọn của Bình Dương

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính...

Bình Dương cải cách hành chính là phục vụ người dân - Ảnh 3.

Người dân tra cứu thông tin qua kios tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ với 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các hệ thống dùng chung và các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước hiện thực hóa các thành phần trong kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc và chữ ký số đã được triển khai liên thông 4 cấp, với 279 cơ quan sử dụng.

Hiện nay, hầu hết các văn bản ban hành qua phần mềm quản lý văn bản đều sử dụng chữ ký số của cơ quan hoặc cá nhân. Hệ thống thư công vụ được quản lý, vận hành hoạt động ổn định với 8.151 hộp thư điện tử đã được cấp.

Hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử tỉnh đang tiếp tục được nâng cấp với các tính năng mới, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh đã được thành lập và đi vào hoạt động, có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị (hơn 1.000 chỉ số ở 23 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh) phục vụ đắc lực trong quá trình giám sát, điều hành công việc về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh. Xây dựng thí điểm ứng dụng App phục vụ người dân, doanh nghiệp; thí điểm nền tảng phân tích dự báo; thí điểm nền tảng AI về nhận dạng khuôn mặt, đám đông và các vi phạm giao thông.

Hệ thống Đường dây nóng 1022 được nâng cấp và mở rộng quy mô tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã tiếp nhận khoảng 60.302 cuộc gọi trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ xử lý thông tin đạt 78,8% trên tổng số phiếu yêu cầu. Công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định.

Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, dù bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tình hình dịch bệnh, tuy nhiên Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh thành phố, tăng 09 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc về nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số; chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng, cụ thể các văn bản liên quan gây khó khăn trong công tác triển khai; việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn gặp một số khó khăn…

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay công tác chuyển đổi số còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, để công tác chuyển đổi số được thực hiện đúng lộ trình, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cần quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số một cách quyết liệt và hiệu quả hơn.

Trong đó bám sát vào các Nghị quyết Tỉnh ủy đã ban hành, phấn đấu đạt 20% số hoá hồ sơ trong năm 2022, thực hiện nhanh yêu cầu không dùng tiền mặt trong giải quyết các thủ tục hành chính và tổ chức các cuộc họp không giấy; thực hiện chữ ký số, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số, gắn với tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác chuyển đổi số.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.


Anh Xuân
Ý kiến của bạn