Tính đến chiều 1/7, sốt xuất huyết (SXH) đã “bao phủ” đến 124/159 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bình Định với 1.297 ca mắc, trong đó có 1 ca tử vong (cả năm 2012, số ca mắc chỉ là 1.577). Trước tình hình đó, ngành y tế đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó.
Đến thời điểm này, TP. Quy Nhơn, Bình Định đã ghi nhận 19 ổ dịch SXH. Ổ dịch mới nhất được phát hiện là tổ 1, khu vực 1, phường Trần Quang Diệu, với 2 ca mắc. Trước đó, xã Nhơn Hải cũng được công bố là ổ dịch sau đợt kiểm tra ngày 23/6 với chỉ số muỗi 1,03, chỉ số bọ gậy 45, tỉ lệ nhà có muỗi 36,6%. Từ 11/6 đến nay, toàn xã Nhơn Hải ghi nhận 45 người bị sốt, trong đó có 4 ca đã xác định bị SXH. “Cả 3 thôn Hải Đông, Hải Nam, Hải Bắc đều xuất hiện ca bệnh. Hiện nay, người dân khu tái định cư Hải Bắc vẫn phải chứa nước trong các lu, ảng; đây là nơi phát sinh bọ gậy lớn nhất của cả xã”, BS. Hồ Nguyên Tứ, cán bộ Trạm y tế xã Nhơn Hải cho biết.
![]() |
Theo nhận định của BS. Huỳnh Vĩnh Thu, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYT Dự phòng tỉnh, với điều kiện thời tiết, khí hậu, týp virut như hiện tại, dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, cuối tháng 6 và đầu tháng 7, TP. Quy Nhơn là nơi tập trung đông thí sinh và người nhà, rất dễ xuất hiện mầm bệnh và lây lan nhanh chóng.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay, dịch SXH các tỉnh trong khu vực đều tăng mạnh. Tại Bình Định, dự báo từ tháng 7 đến hết năm 2013, số ca mắc SXH sẽ còn tiếp tục tăng cao”. Sau khi SXH xuất hiện ở Nhơn Hải, Đội Vệ sinh phòng dịch và Sốt rét TP. Quy Nhơn (TTYT TP Quy Nhơn) và TTYT Dự phòng tỉnh đã tổ chức phun hóa chất tại đây. Trạm y tế xã Nhơn Hải cũng tổ chức diệt bọ gậy ở từng hộ gia đình. Nhờ vậy, từ 23/6 đến nay không ghi nhận thêm ca sốt nghi nhiễm SXH. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan. Chiều 30/6, kiểm tra ngẫu nhiên tại 4 hộ ở thôn Hải Bắc, lu chứa nước tại 3 hộ có bọ gậy. “Người dân biết sợ SXH, biết cách phòng bệnh, nhưng lại ít khi tự giác thực hiện”, BS. Hồ Nguyên Tứ, cán bộ Trạm y tế xã Nhơn Hải nhìn nhận.
“Người dân vẫn còn ỷ lại vào phun hóa chất. Tuy nhiên, hóa chất chỉ cắt đứt nguồn truyền tạm thời. Chỉ cần có mưa và dụng cụ chứa thì chỉ sau một tuần thế hệ muỗi mới đã hình thành. Vì thế, quan trọng nhất hiện nay là chính quyền địa phương phải huy động các hội, đoàn thể vận động người dân tích cực tham gia diệt bọ gậy tại hộ gia đình”, ThS. Bùi Ngọc Lân phân tích.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng chú trọng công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng; duy trì giám sát ca bệnh, côn trùng, huyết thanh, tích cực phát hiện và xử lý các ổ dịch. Những điểm có nguy cơ phát sinh dịch sẽ được xử lý chủ động. TTYT Dự phòng tỉnh sẽ mở chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất tại 16 xã, phường trọng điểm. ThS. Lân khẳng định, với các điểm nóng như Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Phù Cát... trong những trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn ổ dịch nhưng chỉ số côn trùng cao vẫn cho xử lý chủ động ngay.
Nguyễn Văn Trang