Các địa phương có nhiều bệnh nhân như: huyện Hoài Nhơn có 20 bệnh nhân ở 7 xã; huyện Hoài Ân có 23 bệnh nhân ở 8 xã; huyện Phù Mỹ có 9 bệnh nhân ở 7 xã…
Riêng trong tuần từ 7 đến 13/4, toàn tỉnh Bình Định đã ghi nhận 08 ca bệnh sốt xuất huyết mới. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 13/4 là 77 ca bệnh sốt xuất huyết
Trong nhiều năm qua, địa bàn tỉnh Bình Định sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh này.
Một trong những nguyên nhân chính là thời tiết thất thường, nắng nóng xen lẫn các đợt mưa, nhiều công trình xây dựng, nhà trọ, lán trại, vũng nước tù… cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng/bọ gậy phát triển, hoạt động, truyền bệnh.
Trước việc gia tăng các xã có bệnh nhân sốt xuất huyết, ngành y tế Bình Định đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; triển khai các biện pháp xử lý sốt xuất huyết.
Ghi nhận tại một số địa bàn xuất hiện ổ dịch, địa phương đã tiến hành diệt lăng quăng, dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm gần nơi ở để tiêu hủy môi trường cư trú của muỗi. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết.
Ông Võ Hữu C (TP. Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: "Nghĩ bệnh này đơn giản, mắc rồi sẽ khỏi nhanh nên trước kia chưa chú trọng đến việc diệt loăng quăng quanh nhà mình. Giờ thấy nhiều nơi tăng ca bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho người dân và gia đình nên đã thường xuyên xử lý các tụ điểm đọng nước, các chum chứa nước đã đóng rêu…".
Để thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân thì các trạm y tế ở địa phương cần tăng cường truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.