Bình đẳng trong sử dụng vắc-xin COVID-19 - Bài toán khó

07-01-2021 15:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 1 năm, sau khi dịch COVID-19 được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc), các quốc gia trên thế giới đang trong cuộc đua phát triển, nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 để đảm bảo an ninh y tế và sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, lượng vắc-xin ban đầu còn khan hiếm chưa đáp ứng hết nhu cầu, làm nảy sinh sự bất bình đẳng trong sử dụng vắc-xin giữa các quốc gia và các đối tượng được “thụ hưởng” những liều vắc-xin đầu tiên.

Sự độc quyền của các nước giàu

Tính đến cuối năm 2020, nhiều loại vắc-xin đã được thử nghiệm trên người và cho kết quả triển vọng. Một số loại vắc-xin đã được cấp phép sử dụng của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thương mại.

Cùng lúc đó, nhiều báo cáo đã ghi nhận các quốc gia phát triển đã và đang đặt mua số lượng vắc-xin COVID-19 dự trữ nhiều hơn nhiều so với dân số cần tiêm. Tính tới 25/12/2020, Chính phủ Hoa Kỳ đã đặt hàng đủ lượng vắc-xin để tiêm chủng cho hơn 400% dân số của họ, Chính phủ Canada cũng đăng ký cho hơn 500% dân số trong nước. Điều này được dự báo dẫn đến việc thiếu hụt vắc-xin tại các quốc gia có tình trạng kinh tế thấp hơn, đẩy lùi thời gian phổ cập vắc-xin chống COVID-19 toàn cầu đến năm 2022-2023. Để giảm tình trạng bất bình đẳng này, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các trường đại học lớn trên thế giới hình thành liên minh COVAX và lên kế hoạch dự trữ, vận chuyển vắc-xin chống COVID-19 tới các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tại các quốc gia có tình hình dịch diễn biến rất nặng như Ấn Độ. Tuy vậy, việc thiếu hụt vắc-xin COVID-19 là gần như chắc chắn tại nhiều quốc gia phản ứng chậm trong sản xuất hay nhập khẩu vắc-xin trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu.

Chuẩn bị tiêm thử nghiệm vắc -xin COVID-19 cho người Việt Nam đầu tiên.

Chuẩn bị tiêm thử nghiệm vắc -xin COVID-19 cho người Việt Nam đầu tiên.

Đối tượng nào cần được ưu tiên?

Bên cạnh đảm bảo nguồn vắc-xin đầy đủ, các hệ thống y tế quốc gia đều gặp cùng một thách thức về phân phối vắc-xin cũng như xác định xem đối tượng nào cần được ưu tiên nhận những mũi vắc-xin đầu tiên? Là những người cao tuổi và những người có tình trạng y tế nghiêm trọng hay những lao động thiết yếu, trong đó bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu cho COVID-19, hay những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất? Đây là một vấn đề mang tính cấp thiết bởi những lo ngại về sự bất bình đẳng do đại dịch COVID-19 gây ra, từ tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao không tương xứng ở người nghèo, người da màu cho đến khả năng tiếp cận khác nhau đối với dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khả năng làm việc và học tập từ xa hoặc trực tuyến.

Theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC), nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người già yếu nhất, thường sống trong các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc y tế dài hạn, sẽ được tiêm những mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên. Tại các quốc gia châu Âu, cuộc vận động để đưa nhân viên y tế và người lao động thiết yếu tại cửa hàng bán thực phẩm hoặc thuốc nhận vắc-xin sớm vẫn đang diễn ra. Ngoài vấn đề đánh giá và định nghĩa “người lao động thiết yếu” đa dạng và khác nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, sự chú trọng đến tình hình dịch bệnh và văn hóa xã hội tại từng nơi cũng xuất hiện trong quyết định đưa ra đối tượng ưu tiên được tiêm chủng. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, vắc-xin COVID-19 đã được tiêm trên các chính trị gia cấp cao, người cao tuổi và nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ và một số quốc gia Tây Âu.

Các chuyên gia về chính sách y tế công cộng trên thế giới cho thấy, đây là quyết định ưu tiên giữa việc ngăn ngừa tử vong (với việc tiêm cho người già và người có sức khỏe suy giảm) hay là giảm sự lây truyền virus (tiêm cho nhân viên y tế và người lao động thiết yếu). Hơn nữa, các kết quả thử nghiệm vắc-xin cho đến nay chỉ cho thấy rằng các mũi tiêm có thể bảo vệ những người được tiêm, nhưng chưa chứng minh được rằng một người được tiêm chủng sẽ không lây nhiễm cho người khác. Để đưa ra đánh giá hợp lý nhất, nhiều chuyên gia kêu gọi các quốc gia sử dụng “Chỉ số đánh giá mức độ dễ bị tổn thương” của USCDC. Chỉ số này bao gồm 15 thước đo rút ra từ cuộc tổng điều tra, chẳng hạn như: nhà ở quá đông, thiếu phương tiện đi lại và nghèo đói, để xác định mức độ khẩn cấp của một cộng đồng cần được hỗ trợ y tế, với mục tiêu giảm bất bình đẳng. Ngoài ra, lưu ý về khả năng trùng lặp đối tượng ưu tiên (ví dụ, một số người lao động thiết yếu cũng có vấn đề sức khỏe mạn tính, hoặc nằm trong nhóm cao tuổi) cũng được đề cập.

Trong cuộc đua vắc-xin của tất cả các quốc gia, ngoài việc chế tạo ra vắc-xin, các vấn đề về đạo đức và bình đẳng trong y tế công cộng cũng cần được xem xét. Các hệ thống y tế cũng cần đánh giá khả năng cung cấp vắc-xin cùng lúc với khả năng chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 sẵn có. Và có một câu hỏi chưa thể lượng giá trước khi chúng ta thực sự cung cấp vắc-xin: tỷ lệ người dân lo ngại phản ứng không mong muốn của vắc-xin và phong trào chống vắc-xin đang diễn ra trên thế giới, sẽ có bao nhiêu đối tượng ưu tiên thực sự tiếp nhận vắc-xin COVID-19?


ThS. Quách Hà Linh - TS.BS. Phạm Quang Thái
Ý kiến của bạn