Binh biến ở Belarus

20-08-2020 20:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Belarus rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra phản đối kết quả bầu cử, yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức.

Khủng hoảng chính trị lan rộng tại Beralus

Chỉ trong chưa đầy 2 tuần kể từ khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống, khắp Belarus chìm trong làn sóng biểu tình lớn chưa từng thấy nhằm phản đối kết quả bầu cử. Đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra, lực lượng an ninh đã sử dụng vũ khí nóng để dẹp đám đông hàng nghìn người biểu tình khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn người bị bắt giữ. Những người biểu tình cho rằng, cuộc bầu cử đã bị gian lận ngay khi vị Tổng thống 65 tuổi này đã tuyên bố tái đắc cử hôm 9/8 với hơn 80% phiếu bầu để có thể tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 6 của mình.

Hàng nghìn người biểu tình xuống đường phản đối kết quả bầu cử.

Hàng nghìn người biểu tình xuống đường phản đối kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko - người đã có 26 năm cầm quyền cứng rắn tuyên bố rằng sẽ không tổ chức bầu cử lại. Nhưng ngay sau đó, trước sức ép của làn sóng người biểu tình, Tổng thống của đất nước 9,5 triệu dân phải lên tiếng rằng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới sau khi Belarus thông qua Hiến pháp mới và ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực.

Trong khi đó, đối thủ chính của ông Lukashenko là bà Svetlana Tikhanovskaya (người chỉ giành được 10% phiếu bầu) đã không công nhận kết quả bầu cử đồng thời rời đất nước để sang Lithuania, vào ngày 11/8, sống lưu vong. Bà phát đi thông điệp rằng sẵn sàng để lãnh đạo đất nước. Qua một video được thực hiện ở Lithuania, bà Tikhanouskaya kêu gọi các nhân viên an ninh và lực lượng thực thi pháp luật nước này chuyển từ phe Chính phủ của ông Lukashenko sang ủng hộ phe đối lập và mọi việc làm trước đây của họ sẽ “không bị truy cứu”. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần chuẩn bị khung luật pháp và điều kiện để tổ chức bầu cử tổng thống mới trong thời gian ngắn nhất có thể”.

Phản ứng trái chiều

Trong bối cảnh các cuộc đình công và biểu tình đang leo thang khắp Belarus, Tổng thống Belarus Lukashenko đã điện đàm “cầu viện” người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tổng thống Lukashenko cho rằng những người biểu tình đã bị các thế lực bên ngoài “giật dây” và nhiều đối tượng từng là tội phạm hoặc đang thất nghiệp. Đến nay, có khoảng hơn 6.700 người biểu tình đã bị bắt giữ.

Khi đồng minh Belarus  “gọi”, Nga đã “đáp lời”. Nga là một trong số ít các quốc gia  lên tiếng ủng hộ Tổng thống Lukashenko. Thực chất Nga coi Belarus không chỉ là đồng minh, nơi có một số tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu, mà quốc gia này còn được coi là vùng đệm an toàn của Nga trước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, Belarus đang chịu một sức ép lớn, với những âm mưu can thiệp vào tình hình nội bộ nước này từ bên ngoài và đây là điều không thể chấp nhận. Nga phản đối hành động này, và có thể sẽ đề nghị hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Belarus Lukashenko nếu cần thiết. Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga không nên can thiệp vào một “tình huống khủng khiếp” như hiện nay ở Belarus.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử ở Belarus. Thậm chí, EU đã khởi động quá trình trừng phạt các quan chức Belarus với cáo buộc tham gia gian lận bầu cử và đàn áp các cuộc biểu tình. Ngoại trưởng Anh, Ireland và Canada cũng tuyên bố không chấp nhận kết quả “cuộc bầu cử tổng thống gian lận” ở quốc gia này. Vào ngày 19/8, một Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU sẽ được triệu tập để thảo luận về cuộc bầu cử và việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, chỉ đối thoại hòa bình và thật sự toàn diện mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tại Belarus. EU đã kêu gọi một cuộc điều tra “kỹ lưỡng và minh bạch”, ông Charles Michel cho rằng, người dân Belarus có quyền quyết định tương lai và tự do lựa chọn nhà lãnh đạo của họ. Phủ nhận nguy cơ Belarus bị can thiệp từ bên ngoài, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh, NATO không gây ra mối đe dọa đối với Belarus và không tăng cường binh sĩ trong khu vực. Tất cả các nước NATO ủng hộ một Belarus có chủ quyền và độc lập.

Rất khó để dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Belarus trong thời gian tới, khi Tổng thống Lukashenko vẫn nhận được ủng hộ từ lực lượng an ninh và quân đội Belarus. Nhưng tình hình ở Belarus khó có thể quay lại như trước đây...


Trần Hải
Ý kiến của bạn