Biểu hiện viêm phế quản ở trẻ, phân biệt viêm phế quản với viêm họng

28-11-2023 13:14 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh thì tỷ lệ trẻ mắc viêm phế quản có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn với tình trạng viêm họng, dẫn đến bệnh có diễn biến nặng.

Viêm phế quản ở trẻ có thể chữa khỏi dứt điểm được không?Viêm phế quản ở trẻ có thể chữa khỏi dứt điểm được không?

SKĐS - Viêm phế quản ở trẻ thường không quá nguy hiểm nhưng tái đi tái lại nhiều lần, nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới, nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi, dẫn đến viêm phổi. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... cũng rất dễ bị viêm phế quản.

Những trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc bệnh và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi. Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. Influenzae, rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh.

Chính vì vậy, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường bị ô nhiễm... là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.

Phân biệt viêm phế quản và viêm họng ở trẻ

Trẻ dễ bị viêm hô hấp trên, cảm lạnh, ho sổ mũi, cúm hay viêm xoang... Sau đó nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virus có thể lây lan tới hai phế quản, làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt, do đường thở bị viêm và tiết dịch.

Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày, hay ho kéo dài trong vòng từ 2 - 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản. Tiếp sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra trẻ có thể có cảm giác đau ngực, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.

Đối với trẻ bị viêm họng cũng có các biểu hiện tương tự, nên nhiều cha mẹ chủ quan.

Viêm họng ở trẻ là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất là vào thời điểm giao mùa. Các yếu tố như thay đổi thời tiết, bụi bẩn, khói thuốc... cũng làm tăng nguy cơ gây viêm họng cấp ở trẻ. Khi bị viêm họng trẻ sẽ có biểu hiện đau họng nên dễ quấy khóc, ho, có thể ho khan hay ho đờm. 

Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Bệnh có thể kéo dài dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần.

Viêm phế quản ở trẻ biểu hiện thế nào, phân biệt với viêm họng?- Ảnh 2.

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ viêm họng, viêm phế quản?

Hầu hết các trường hợp bị viêm họng có thể tự khỏi. Cha mẹ có thể sử dụng nước ấm pha chanh với mật ong cho trẻ uống để giảm tình trạng bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm họng kéo dài không dứt, đồng thời xuất hiện các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, có máu trong nước bọt, cha mẹ cần cho trẻ tới bệnh viện để thăm khám và điều trị ngay.

Đối với trẻ bị viêm phế quản, cha mẹ cần lưu ý đến các triệu chứng của bệnh viêm phế quản và sự thay đổi của những triệu chứng này để chăm sóc trẻ đúng cách. Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch các đường phế quản, nghĩa là giúp trẻ tống đờm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn. Không nhất thiết là phải dùng kháng sinh, chỉ dùng khi có bằng chứng rõ là nhiễm khuẩn và điều này sẽ được bác sĩ đánh giá và cho y lệnh.

Bác sĩ có thể kê loại thuốc làm loãng đờm và trẻ sẽ phải được cho uống nhiều nước. Ở trẻ quá nhỏ phản xạ ho không nhiều, hoặc động tác ho yếu không đủ để tống đờm ra thì dễ đưa đến ngạt đờm, cần phải đưa trẻ đi tập vật lý trị liệu hô hấp hoặc đi hút đờm nhớt.

Cha mẹ cần lưu ý không nên tự ý cho trẻ uống thuốc chống ho khi thấy con mình ho quá nhiều. Nếu ho giúp trẻ tống hết đờm ra ngoài, thì hoàn toàn lại là việc rất hữu ích, nó sẽ giúp trẻ mau chóng bình phục hơn.

Cha mẹ cần tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm cho trẻ (ấm ngực, chân tay, quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). 

Về mùa lạnh, các cô nuôi dạy trẻ cần chú ý bố trí giờ chơi, giờ tập luyện ngoài trời cho các cháu phù hợp với thời tiết trong ngày. Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA... cần phải điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn