Hà Nội

Biểu hiện trẻ bị quáng gà

29-01-2015 08:05 | Đời sống
google news

Con trai tôi đang học lớp 6, mấy tháng gần đây cháu có biểu hiện rất lạ. Ban ngày, cháu vẫn học tập và vui chơi bình thường như các bạn nhưng khi chiều xuống,

Con trai tôi đang học lớp 6, mấy tháng gần đây cháu có biểu hiện rất lạ. Ban ngày, cháu vẫn học tập và vui chơi bình thường như các bạn nhưng khi chiều xuống, khi trời bắt đầu tối thì cháu tỏ ra rất lúng túng, nhiều khi làm vỡ đồ đạc trong nhà. Tôi rất lo lắng, không biết cháu có mắc bệnh gì không?

Nguyễn Thị Hải (Nghệ An)

 

Võng mạc sắc tố gây bệnh quáng gà.

Quáng gà là biểu hiện nhìn kém về chiều, giống như con gà hơi chạng vạng về chiều đã lo về chuồng vì sợ không nhìn rõ đường. Do đó, có thể cháu thường làm vỡ đồ đạc trong nhà, có khi "hậu đậu" hơn thường lệ, có thể ngồi ru rú một chỗ mà không vui chơi với bạn bè. Mặc dù ban ngày hay ở nơi đủ ánh sáng, cháu vẫn có thể nhìn rõ bình thường. Tuy nhiên, chị cũng cần phân biệt dấu hiệu này với hiện tượng thích nghi bóng tối kém, đây là biểu hiện xuất hiện khi thay đổi đột ngột từ vùng sáng sang vùng tối, người bệnh thấy xây xẩm mặt mày và thường phải nghỉ ngơi một lúc thì mới nhìn rõ lại. Nếu là biểu hiện này thì không phải cháu mắc bệnh quáng gà. Về nguyên nhân gây bệnh có thể do bệnh lý liên quan đến gen di truyền như bệnh võng mạc sắc tố, bệnh về thần kinh thị giác, nhiễm độc thuốc hoặc thiếu vitamin A. Bạn nên đưa con đến khám sớm tại chuyên khoa mắt để được làm một số test kiểm tra giúp chẩn đoán xác định như test thích nghi sáng - tối, điện võng mạc, thị trường... từ đó mới có biện pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, khi ở nhà, chị nên chú ý đến chế độ ăn cho cháu như ăn bổ sung nhiều thức ăn có chứa vitamin A (lòng đỏ trứng, gan, thận, sữa tươi, bơ...), trái cây có sắc màu vàng, đỏ (rau ngót, rau dền, rau muống, cà rốt, đu đủ...) hay thực phẩm chứa nhiều caroten như các loại rau sậm màu.

BS. Nguyễn Thu Hà

 


Ý kiến của bạn