Vậy xin hỏi bác sĩ khi bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả có những biểu hiện như thế nào?
Hoàng Diệu Thúy (Thanh Hóa)
Tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả là 1 trong 3 bệnh tối nguy hiểm, thuộc diện kiểm dịch quốc tế (tả, dịch hạch và sốt vàng). Bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy nhiều và nôn nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong. Vi khuẩn tả có thể sống trong nước máy từ 4 - 40 ngày, trong nước giếng khơi từ 3 - 30 ngày, trong nước sông từ 17 - 19 ngày, trong nước hồ ao từ 3 - 30 ngày, trong nước biển từ 4 - 47 ngày, trong bánh mì, nem chua, nem chạo, rau sống, mắm tôm, mắm tép từ vài ngày đến hàng tuần, trong ruồi từ 2 - 3 tuần. Nguồn lây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể là bệnh nhân đang bị bệnh và người lành mang vi khuẩn. Phương thức lây truyền bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm là lây lan qua đường ăn, uống do các thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm trực tiếp hay gián tiếp với phân hay chất nôn của người nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn tả có thể tấn công mọi lứa tuổi. Khi bị tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện sau: Khởi bệnh đột ngột, đại tiện trước, nôn sau (đại tiện lúc đầu có phân, sau lỏng, toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo hoặc nước canh đậu có những hạt trắng lổn nhổn, mùi tanh; nôn sau đại tiện, lúc đầu là nước và thức ăn, sau giống như nước phân). Không đau bụng hoặc đau nhẹ, không mót rặn. Không sốt hoặc sốt nhẹ. Sau vài giờ đại tiện và nôn liên tục, nhanh chóng dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn: mặt hốc hác, mắt trũng, má lõm, môi khô, da nhăn nheo, xanh tím, hạ nhiệt độ, tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, tiểu tiện ít rồi vô niệu... Nếu không được điều trị bệnh nhân sẽ chết vì sốc không hồi phục, vì suy thận, nhiễm toan hoặc ngừng tim.
ThS. Thanh Lâm