Biểu hiện thường gặp của bệnh gout cấp và cách xử trí

16-02-2023 18:41 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Gout thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, những đợt viêm khớp cấp bàn ngón chân đáp ứng nhanh với điều trị thuốc kháng viêm nhưng thường tái phát.

Hiện nay, do tính chất công việc, lối sống hiện đại, tiện lợi nên nhiều người ăn uống thiếu cân đối, lạm dụng bia, rượu xuất hiện ngày càng nhiều người mắc bệnh gout.

Bệnh gout cấp tính nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính với những biến chứng nguy hiểm. Các cơn đau do gout cấp thường được kích thích bởi một số yếu tố như uống nhiều rượu bia, ăn nhiều hải sản và thịt đỏ trong thời gian dài.

1. Các biểu hiện bệnh gout cấp

Tình trạng tăng axit uric máu rất phổ biến, nhưng hầu hết những người tăng axit uric máu không có triệu chứng và chỉ một số ít tiến triển thành bệnh gout. Tăng axit uric máu có thể kéo dài đến 20-30 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện cơn gout cấp tính đầu tiên.

Đau, đỏ và sưng là những triệu chứng chính của bệnh gout. Cơn gout cấp tính xuất hiện đột ngột ban đêm, khiến người bệnh thức dậy vì đau ở khớp, thường là khớp bàn ngón chân cái. Theo nghiên cứu có khoảng 60 - 70% có các biểu hiện viêm khớp ở ngón chân cái.

Biểu hiện thường gặp của bệnh gout cấp và cách xử trí - Ảnh 1.

Cơn gout cấp tính xuất hiện đột ngột ban đêm, khiến người bệnh thức dậy vì đau ở khớp.

Các khớp sưng to, đỏ, phù, căng bóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, và chạm nhẹ cũng rất đau. Tuy nhiên, các khớp khác như: Khớp cổ chân, khớp gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu cũng có thể sưng đau. Điều đáng lưu ý, hiếm thấy ở khớp háng, vai, cột sống và lúc đầu chỉ một khớp sau có thể bị nhiều khớp.

Gout cấp tính diễn ra có tính chất đột ngột, kéo dài từ 3 – 10 ngày và nghiêm trọng nhất trong khoảng 24 – 48 giờ. Các cơn gout cấp thường xuất hiện đột ngột không theo chu kỳ. Trong khoảng 1 đến 3 năm đầu, bệnh nhân sẽ phải chịu các cơn đau gout cấp tính với tần suất cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh gout có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính. Các đợt viêm cấp sau này sẽ kéo dài hơn, có thể không tự hết được, ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.

2. Cần làm gì khi bị gout cấp?

Bệnh gout ở giai đoạn cấp tính thì việc kiểm soát sẽ không quá khó khăn. Điều trị sẽ giúp giảm đau và viêm, bao gồm uống thuốc, chú ý chế độ ăn uống, tầm soát và điều trị các biến chứng và bệnh lý phối hợp. Tùy vào từng người mà các bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp.

Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ ý kiến của các bác sĩ vì một số nhóm thuốc được sử dụng để điều trị có thể gây ra tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, thay đổi thuốc,... vì kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh gout.

Để giảm đau người bệnh có thể xoa bóp massage có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Việc xoa bóp massage khớp sẽ giúp các mô mềm giãn ra. Nhờ đó mà đem đến cảm giác thoải mái và thư thái, hỗ trợ đẩy lùi nhanh chóng cơn đau. Nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm đau, ngủ sâu giấc hơn.

Người bệnh cũng có thể chườm lạnh giúp giảm đau gout cấp hiệu nghiệm bởi tác dụng nhiệt lạnh sẽ có khả năng gây tê tạm thời, giảm đau và sưng viêm nhanh chóng. Rất đơn giản người bệnh có thể dùng một túi đá lạnh và chườm lên vùng khớp bị ảnh hưởng. Mỗi lần chườm từ 15 – 20 phút, không nên chườm quá lâu để tránh gây bỏng lạnh.

3. Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng cơn gout cấp tái phát người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều purin (thịt có màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản…), không uống rượu bia, tránh thức uống như trà, cà phê.

Không lao động quá mức, tránh các yếu tố khởi phát cơn gout như chấn thương…; Giảm cân để trọng lượng cơ thể đạt ở mức cân đối. Không hút thuốc lá vì có thể làm tăng axit uric máu: thuốc lợi tiểu…

‎Cần uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế đồ uống có đường và cần luyện tập phù hợp với sức khỏe độ tuổi.

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh gout, đặc biệt là các cơn đau đột ngột ở khớp bàn chân, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

Mời độc giả xem thêm video:

10 Loại thực thẩm tốt nhất cho làn da sáng khỏe, chống lão hóa


BS Nguyễn Ngọc
Ý kiến của bạn