Biểu hiện đái tháo nhạt

22-06-2015 07:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Đái tháo nhạt là tình trạng thu nạp lượng nước rất lớn vào cơ thể và bài tiết lượng nước tiểu nhược trương quá mức.

Thời gian gần đây, tôi thường đi tiểu nhiều kèm theo khát và uống nhiều nước. Có người nói tôi bị mắc bệnh đái tháo nhạt. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Nguyễn Thị Hòa (Hải Dương)

Đái tháo nhạt là tình trạng thu nạp lượng nước rất lớn vào cơ thể và bài tiết lượng nước tiểu nhược trương quá mức. Đái tháo nhạt thường xuất hiện ở tuổi học sinh hoặc tuổi trẻ, tuổi trung bình là 24, nam hay gặp hơn nữ. Đây là một bệnh chuyển hóa cần được chú ý vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh.

Ở người lớn, triệu chứng nổi bật là đái rất nhiều và uống cũng rất nhiều. Bệnh nhân mắc đái tháo nhạt thường đái từ 4-8lít/ngày, vì thế, trung bình 30-60 phút họ phải đi tiểu 1 lần, kể cả ban đêm. Mức độ khát nước rất dữ dội khiến bệnh nhân phải uống nước liên tục, một số người có thể bị mất nước nặng với những biểu hiện như môi khô, tim đập nhanh, huyết áp tụt, thậm chí hôn mê.

Tuy nhiên, bệnh nhân mắc đái tháo nhạt lại ít khi bị gầy sút và không bao giờ có hiện tượng kiến bâu vào nước tiểu (khác với đái tháo đường). Vì thế, cần đi khám bác sĩ ngay nếu có đái nhiều và uống nhiều để tránh bị mất nước nặng. Ở trẻ em bị bệnh đái tháo nhạt có thể có những biểu hiện khác lạ như: trẻ quấy khóc nhiều; bỉm thường xuyên bị ướt; sốt, nôn hoặc tiêu chảy là dấu hiệu mất nước; da khô và chân tay lạnh; trẻ chậm lớn, thậm chí sút cân.

Để chẩn đoán xác định đái tháo nhạt, tất cả các bệnh nhân nghi ngờ đều phải thực hiện test nhịn uống tại bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán chắc chắn đái tháo nhạt và thể đái tháo nhạt (do thận hay do tuyến yên). Từ đó, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

ThS. Quang Bảy

 

 

 


Ý kiến của bạn