(Phạm Văn Xô - Sóc Trăng)
Viêm tụy xảy ra khi men tiêu hóa bị kích hoạt trong khi nó còn ở trong tụy, chúng sẽ kích thích tế bào tụy và gây ra phản ứng viêm. Tạo hóa tạo ra con người rất hoàn hảo, các men tiêu hóa chất đạm được tuyến tụy sản xuất ra dưới dạng không hoạt động (nên chưa có tác dụng) và sau khi vào đến ruột thì mới được hoạt hóa, lúc này men mới phân hủy được chất đạm từ thức ăn ở ruột (chúng không thể tác động lên thành ruột do có cơ chế bảo vệ).
Nhưng chẳng may gặp một trục trặc nào đó trong tuyến tụy, các men dưới dạng không hoạt động này bị hoạt hóa và chúng phân hủy chính mô tụy, khi càng phân hủy tổn thương mô tụy thì các men tụy càng bị hoạt hóa. Giống như một kho thuốc nổ, bình thường không có vấn đề gì nhưng khi một trái bị nổ sẽ kích hoạt gây nổ hàng loạt. Các men tiêu hủy chất đạm ở tụy sẽ tiêu hủy tuyến tụy và cả những nơi men chảy tới, sự tiêu hủy này lan rộng ra toàn ổ bụng khi men lan đến (bởi cấu trúc của các cơ quan đều chủ yếu là protein).
Với những đợt viêm tuy cấp tính lập lại thì tổn thương tuyến tụy càng nhiều và đưa đến tình trạng viêm tụy mãn tính.Những mô sẹo sẽ hình thành trong tuyến tụy dẫn đến giảm chức năng.Tuyến tụy giảm sút chức năng sẽ đưa đến các vấn đề về tiêu hóa và đái tháo đường (giảm tiết cả hormon insulin giúp điều hòa đường huyết).
Triệu chứng của viêm tụy cấp rất thay đổi, tùy thuộc vào loại viêm tụy mà người bệnh mắc phải. Trong viêm tụy cấp tính điển hình, người bệnh có các dấu hiệu sau đây: đau bụng trên rốn sau đó lan ra khắp bụng và có khuynh hướng xuyên ra sau lưng; Đau bụng nặng hơn sau khi ăn; Sốt và mạch nhanh; Buồn nôn và nôn; có phản ứng thành bụng. Để chẩn đoán tình trạng viêm tụy cấp cần phải định lượng men tuyến tụy (tăng trong máu).
Ngoài ra để chẩn đoán viêm tụy có thể dùng đến chụp cắt lớp (CT-Scan), siêu âm bụng, siêu âm qua nội soi, chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định tình trạng viêm tuyến tụy, sỏi đường mật và tắt nghẽn ống tụy. Tùy thuộc tình trạng của từng bệnh nhân mà có chỉ định xét nghiệm phù hợp nhằm chẩn đoán bệnh cũng như tiên lượng.