Biểu hiện của ung thư miệng

05-12-2024 15:01 | Ung thư

SKĐS - Ung thư miệng là bệnh rất phổ biến ở vùng đầu cổ, do triệu chứng gần giống với các bệnh lý răng miệng thông thường nên hầu hết mọi người thường hay chủ quan và bỏ qua. Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư miệng là vô cùng quan trọng.

Yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng

Ung thư miệng hay còn gọi là ung thư khoang miệng là loại ung thư xảy ra trên môi và trong miệng. Cụ thể hơn cho các loại bệnh ung thư bao gồm: ung thư có ảnh hưởng đến phần bên trong của má (ung thư niêm mạc miệng).

Đây là một tổn thương ác tính do các tế bào niêm mạc trong khoang miệng tăng sinh không kiểm soát. Mỗi bộ phận cấu tạo nên khoang miệng sẽ xuất hiện một loại ung thư khác nhau, gồm 7 phần: môi, niêm mạc má, nướu răng, vòm khẩu cái cứng, sàn miệng, lưỡi di động, tam giác hậu hàm.

Ung thư khoang miệng rất phổ biến, chiếm 30 – 40% tổng số ung thư vùng đầu mặt cổ. Trong các loại ung thư khoang miệng, ung thư lưỡi chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 40% tổng số ca mắc ung thư. Loại tế bào hay phát triển thành ung thư tại vùng này là ung thư biểu mô vảy chiếm 90% – 95%.

Biểu hiện của ung thư miệng- Ảnh 1.

Gai đoạn sớm ung thư miệng có những triệu chứng gần giống với các bệnh lý răng miệng thông thường

Các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng bao gồm:

  • Do thói quen sống, thói quen sống không lành mạnh

- Hút thuốc lá: Hầu hết các trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan mật thiết đến thuốc lá. Hút thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào đều làm tăng nguy cơ bị bệnh.

- Sử dụng thức uống có cồn (rượu, bia) nhiều: thức uống có cồn khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde. Chất này làm tổn thương DNA, ngăn chặn khả năng tự hồi phục của tế bào, gây nên những tổn thương tiền ung thư và tổn thương ung thư.

- Vệ sinh răng miệng kém: một trong những nguyên nhân gây ra ung thư có thể là những tổn thương lâu lành ở vùng khoang miệng. Việc vệ sinh răng miệng kém, làm cho virus, vi khuẩn vùng này tồn tại nhiều càng làm điều kiện thuận lợi cho phát triển ung thư.

- Thói quen ăn trầu gây nên những tổn thương trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.

Nhiễm HPV cũng là một nguy cơ gây ung thư miệng, ngoài ra, hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi… hay các tổn thương tiền ung thư khác trong khoang miệng như bạch sản, hồng sản, viêm nấm candida quá sản mạn tính, các vết loét do sang chấn liên tục kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng.

Ghi nhận thực tế cho thấy virus HPV thường sống ở các vùng niêm mạc, trong đó có niêm mạc hầu họng. Nhiễm mạn tính các type HPV nguy cơ cao, đường tình dục có liên quan đến ung thư vùng khẩu hầu và khoang miệng. Đây là nguyên nhân gia tăng bệnh đáng kể trong thời gian gần đây.


Triệu chứng ung thư miệng

Ở giai đoạn mới chớm, ung thư miệng có những triệu chứng gần giống với các bệnh lý răng miệng thông thường, vì thế, hầu hết mọi người thường hay chủ quan và bỏ qua. Cách tốt nhất để phòng bệnh hoặc phát hiện sớm bệnh là đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi có những nghi ngờ hoặc các dấu hiệu sau đây:

  • Xuất hiện các vết loét trong lưỡi, niêm mạc miệng
  • Đau nhức, kích thích, cục u hoặc mảng dày trong miệng, môi, hoặc cổ họng
  • Mất cảm giác vùng miệng
  • Chảy máu trong miệng mà không có nguyên nhân
  • Khó nhai, nuốt hoặc khó nói
  • Sưng nề trong hàm khiến răng không khớp hoặc trở nên khó chịu
  • Sụt cân nhiều do khó ăn uống,…

Dự phòng ung thư miệng

Có rất nhiều các yếu tố nguy cơ gây ung thư khoang miệng. Hạn chế các yếu tố nguy cơ là biện pháp phòng ngừa chính của bệnh:

  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu bia: Nguy cơ ung thư khoang miệng tăng gấp sáu lần ở những người nghiện rượu so với những người không uống rượu
  • Tiêm phòng vắc xin HPV ở cả phụ nữ và nam giới
  • Quan hệ tình dục an toàn
  • Điều trị dứt điểm các tổn thương tiền ung thư bằng cách khám sức khỏe định kỳ, giữ gìn vệ sinh răng miệng. Luôn đánh răng và dùng chỉ nha khoa để xỉa răng thường xuyên sau mỗi bữa ăn.
  • Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời: Việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi. Do đó hãy luôn đeo khẩu trang và dùng kem chống nắng, vật bảo vệ môi và vùng da mặt bất cứ lúc nào ra ngoài trời nắng gắt.
  • Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần/năm.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật. Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư miệng, cần nhiều loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn hàng ngày. Các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong các loại thực phẩm này được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư miệng.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư miệngCác yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng

SKĐS- Ung thư khoang miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng.

BSCK2 Nguyễn Thị Thu
Ý kiến của bạn