Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, cách điều trị hiệu quả

21-03-2023 16:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng nặng nề. Địa chỉ nào khám, chữa thoát vị đĩa đệm uy tín tại Hà Nội?

Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt sống, xung quanh là lớp vỏ, ở giữa là nhân nhầy. Đĩa đệm tạo sự mềm dẻo cho cột sống, giúp cho cơ thể vận động linh hoạt hơn. Đồng thời cũng như giảm chấn động, xóc khi cơ thể vận động và chịu lực hơn.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?

Thoát vị đĩa đệm là do nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường. Trong trường hợp thoát vị có thể nhẹ không gây ra chèn ép. Nếu chèn ép thì sẽ theo hướng đi vào thần kinh gây triệu chứng đau thần kinh tọa.

Biểu hiện thoát vị đĩa đệm, triệu chứng

Tình trạng thoái hóa đĩa đệm dẫn đến rách hoặc nứt gây chèn ép dây thần kinh. Từ đó dẫn đến cơn đau khó chịu, gây cản trở khả năng vận động. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm sẽ có những triệu chứng rất điển hình:

- Đau nhức từ thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân và thậm chí là bàn ngón chân.

- Hướng đau theo hướng của dây thần kinh tọa.

- Tê bì chân tay, yếu cơ.

Trong trường hợp thoát vị nặng có triệu chứng rối loạn đuôi ngựa hoặc chèn ép đuôi ngựa như đi ngoài đại tiểu tiện không tự chủ hay có tình trạng teo cơ chân to chân bé…

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, cách điều trị hiệu quả - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc thoát vị đĩa đệm thường có cơn đau theo hướng dây thần kinh tọa.

Cách chữa thoát vị đĩa đệm

Thoát vị điều trị có phương pháp điều trị dựa theo mức độ của bệnh.

- Nếu tình trạng bệnh nhẹ bệnh nhân có thể kết hợp thay đổi lối sống với đeo đai lưng tập, thể dục nhịp nhàng kèm vật ký trị liệu.

- Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép nhẹ có thể áp dụng điều trị nội khoa và dùng thuốc. Một số loại thuốc uống như thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, giảm đau dây thần kinh

- Trường hợp đau có chèn ép nhiều, có tình trạng thoát vị thì có thể kết hợp tiêm ngoài màng cứng hoặc tiêm phong bế dãy thần kinh.

- Khi có trường hợp thoát vị nặng có triệu chứng rối loạn đuôi ngựa hoặc chèn ép đuôi ngựa hay có tình trạng teo cơ hoặc điều trị nội khoa không đáp ứng (kéo dài từ 3 tháng trở lên), bệnh nhân đau dai dẳng, tình trạng thoát vị nhiều, hoặc tình trạng thoát vị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì có thể dùng đến phương pháp phẫu thuật.

Có mấy loại thoát vị đĩa đệm?

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Tùy vào vị trí đĩa đệm bị chệch, bệnh được chia thành:

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, cách điều trị hiệu quả - Ảnh 2.

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm.

Dựa vào sự chèn ép ở thần kinh và tủy sống thoát vị đĩa đệm có thể chia thành:

  • Thoát vị thể trung tâm: Nhân nhầy thoát ra và chèn ép trực tiếp lên tủy sống.
  • Thoát vị cạnh trung tâm: Nhân nhầy gây chèn ép lên cả tủy sống và rễ thần kinh.
  • Thoát vị chèn ép rễ thần kinh có thể bên phải hoặc bên trái.

Dựa theo vị trí, tình trạng đĩa đệm bị thoát vị được chia thành:

  • Thoát vị ra sau
  • Thoát vị ra trước
  • Thoát vị vào thân đốt sống (thoát vị đĩa nệm xốp).

Phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Để chẩn đoán đau thần kinh tọa, bệnh nhân cần chụp cộng hưởng từ để đánh giá mức độ đau và nguyên nhân do phình hay do thoát vị đĩa đệm.

Ai dễ mắc thoát vị đĩa đệm

Đối tượng nào dễ bị thoát vị đĩa đệm? Thoát vị đĩa đệm ngày càng có xu hướng trẻ hóa và ngày càng trở nên phổ biến. Trước đây thoát vị đĩa đệm thường gặp ở lứa tuổi trung niên do thoái hóa. Tuy nhiên hiện tại có thể gặp ở nhiều đối tượng như:

- Dân văn phòng ngồi lâu ít vận động hoặc phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót trong thời gian dài.

- Những người làm việc trong môi trường phải ngồi nhiều (lái xe)

- Làm việc nặng nhọc bốc vác bưng bê trên cổ và lưng.

- Thoái hóa cột sống hay thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở độ tuổi 30 – 50. Theo thời gian, vòng sụn bên ngoài bị xơ hóa, nhân nhầy của đĩa đệm bị khô, mất tính đàn hồi, thoát vị vào trong ống sống, chèn ép dây thần kinh. Đau do thoát vị thường là ở người già do thoái hóa và rách vòng xơ đĩa đệm, nhân nhầy sẽ thoát vị qua chỗ rách và chui ra đằng sau gây chèn ép dây thần kinh.

- Những người sai tư thế khi tập gym, yoga với những động tác khó gây tổn thương cột sống.

- Những người cao tuổi có tình trạng thoái hóa, gân cơ dây chằng lỏng lẻo, bao đĩa đệm có nguy cơ rách.

- Những người thừa cân, béo phì làm tăng tải trọng lên các đốt sống, xương khớp.

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, cách điều trị hiệu quả - Ảnh 3.

Nếu không điều trị kịp thời hoặc tiếp cận sai cách chữa thoát vị đĩa đệm, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, cần lưu ý một số phương pháp sau:

- Tránh lao động nặng hoặc khuân vác đồ đạc để bảo vệ cổ và cột sống.

- Tránh các động tác ảnh hưởng đến cột sống khi luyện tập thể thao hoặc trong sinh hoạt hàng ngày.

- Tập luyện thể dục thể thao tăng độ dẻo dai cho xương khớp và phù hợp với năng lực cơ thể.

- Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung vào chế độ ăn canxi và vitamin D.

- Hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích.

- Khi làm việc trong môi trường nặng thì có đồ bảo hộ khớp gối, đai lưng để giảm bớt tổn thương đến cột sống.

- Khi có những triệu chứng đau ở cột sống nên tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Khám thoát vị đĩa đệm ở đâu?

Địa chỉ chữa thoát vị đĩa đệm. Khi có dấu hiệu về cột sống, bạn có thể đến các cơ sở y tế sau:

1. Khoa Cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Địa chỉ: Số 16-18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2. Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Trung tâm Cơ xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.

3. Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1B Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

4. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.

5. Khoa Chấn thương chỉnh hình và Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng – Bệnh viện 103. Địa chỉ: Số 261 Phùng Hưng, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.

Xem thêm video được quan tâm:

Chó Dại Cắn Khiến 1 Người Chết, 8 Người Phải Theo Dõi Điều Trị - SKĐS



ThS.BS Nguyễn Thị Bảo Thoa
Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn