(Nguyễn Đức Khang - Vĩnh Long)
Hoại tử xương là tình trạng chết của các tế bào xương xảy ra ở phần mỡ tủy xương và phần mô khoáng xương. Khi nói đến hoại tử xương thì các nhà chuyên môn hiểu là hoại tử vô khuẩn tức không do nhiễm trùng, đôi khi gọi là hoại tử vô mạch. Đây là một tình trạng hay xảy ra ở khớp háng, khớp vai, khớp gối. Thực tế lâm sàng hay gặp nhất là hoại tử chỏm xương đùi vô mạch gây ra sự tàn phế nếu không được thay khớp nhân tạo. Bệnh này thường xảy ra ở nam giới tuổi dưới 50, vì thế nó trở thành nỗi ám ảnh của nam trung niên.
Triệu chứng lâm sàng của hoại tử chỏm xương đùi vô mạch chủ yếu là đau ở khớp háng (một số trường hợp ở giai đoạn sớm biểu hiện đau vùng thắt lưng), đau kèm theo với hạn chế vận động khớp khiến bệnh nhân đi lại rất khó khăn. Bệnh diễn tiến rất âm thầm và khó tiên đoán, tùy thuộc mỗi cá thể. Khớp háng sẽ bị hạn chế bởi cử động xoay và dạng do tình trạng sụp xương vùng chỏm. Ở một nam trung niên có uống rượu nhiều đột nhiên đau khớp háng (một hoặc hai bên) kèm theo hạn chế vận động thì gần như buộc phải nghĩ đến hoại tử chỏm xương đùi vô mạch. Để chẩn đoán bệnh phải chụp hình vùng khớp háng, đơn giản nhất là X-quang và sau đó là chụp cắt lớp điện toán (CT Scan), cộng hưởng từ (MRI), xạ hình xương. Tuy nhiên, hình ảnh X-quang khớp háng thay đổi rất trễ, khi xương đã có tổn thương thật nhiều thì mới có thể phát hiện ra và vì thế đã bỏ sót chẩn đoán sớm rất nhiều trường hợp. Phát hiện sớm và chính xác là cộng hưởng từ (MRI) nhưng đây là xét nghiệm cao cấp, đắt tiền nên không thể tầm soát cho tất cả mọi người. Nhiều chuyên gia đề xuất nên tầm soát bằng MRI cho những người đau khớp háng và có nguy cơ cao.