Hà Nội

Biểu hiện bệnh trứng cá đỏ ở trẻ em và cách điều trị

18-11-2022 14:45 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trứng cá đỏ là tình trạng viêm da mạn tính với các đặc trưng là dát, sẩn đỏ, mụn mủ, giãn mạch ở trung tâm mặt. Bệnh thường gặp ở người lớn nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em nhưng thường bị bỏ qua.

Hiểu được các biểu hiện về trứng cá đỏ, các thể lâm sàng, và các phương pháp điều trị bệnh vô cùng cần thiết trong thực hành lâm sàng da liễu, đặc biệt là da liễu nhi khoa.

1. Những trường hợp nào nên nghĩ đến trứng cá đỏ?

Chưa có đồng thuận nào trong chẩn đoán trứng cá đỏ ở trẻ em. Tác giả Chamaillard và cộng sự đưa ra một số tiêu chuẩn chẩn đoán trứng cá đỏ ở trẻ em:

  • Cơn nóng bừng mặt tái diễn, hoặc ban đỏ dai dẳng
  • Giãn mạch ở mặt mà không tìm thấy căn nguyên
  • Sẩn, mụn mủ không có comedon
  • Tổn thương phân bố tổn thương ở vùng trung tâm mặt
  • Một trong các biểu hiện ở mắt: viêm bờ mi tái phát, viêm giác mạc, sung huyết kết mạc

Chẩn đoán bệnh khi có ít nhất 2 trong số các tiêu chuẩn trên.

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh trứng cá đỏ?

Tuổi thường gặp là 4-5 tuổi với nam và nữ tương đương nhau và có thể gặp ở mọi loại da.

Trứng cá đỏ thể sẩn mủ thường gặp hơn ở loại da sáng màu và thể viêm da quanh miệng có thể gặp ở cả loại da sáng và tối màu.

3. Nguyên nhân của bệnh trứng cá đỏ

Sinh bệnh học của trứng cá đỏ rất phức tạp, bao gồm yếu tố gen, môi thường, rối loạn miễn dịch, vận mạch…

- Trẻ có nguy cơ mắc trứng cá đỏ khởi phát sớm cao khi gia đình có đột biến gen STAT1.

- Bệnh nhân trứng cá đỏ thường tăng bộc lộ Toll-like receptor (TLR) 2 và MMps ở vùng da tổn thương và rối loạn đáp ứng miễn dịch như IL-17, tiết ra bởi tế bào T và một số tế bào khác như đại thực bào, tế bào tua gai, tế bào diệt tự nhiên, tế bào hạt trung tính.

- Rối loạn điều hòa mạch máu thần kinh tại da

- Tụ cầu da, Demodex trên da làm tăng giải phóng các cytokin viêm

- Tịa cực tím

4. Biểu hiện của bệnh trứng cá đỏ

- Giãn mạch (Telangiectatic form)

Ban đỏ có hoặc không kèm theo cơn nóng bừng mặt (sau nhiệt, tia UV, kéo dài vài phút). Tỉ lệ ít gặp hơn thể sẩn mủ (như hình dưới đây).

Biểu hiện bệnh trứng cá đỏ ở trẻ em và cách điều trị - Ảnh 2.

Ban đỏ, giãn mạch ở trẻ 5 tuổi được chẩn đoán trứng cá đỏ với các tổn thương sẩn mụn mủ trứng cá đỏ trước đó. (Nguồn: Noguera-Morel et al)

- Sẩn mụn mủ (Papulopustular rosacea – PPR)

Các dát đỏ, sẩn, mụn mủ trên nền giãn mạch, đây là thể thường gặp nhất ở trứng cá trẻ em. Có thể có các cơn nóng bừng mặt kèm ngứa, nóng rát, dấm dứt. Chẩn đoán phân biệt với trứng cá qua các đặc điểm: cơn nóng bừng mặt, giãn mạch, không có comedon.

Trứng cá đỏ thể sẩn mụn mủ trên nền giãn mạch ở trẻ nữ 8 tuổi - ảnh trái (Nguồn: Chamaillard et al). Trứng cá đỏ thể sẩn mụn mủ, chắp tái phát ở trẻ nữ 3 tuổi mắc bại não - ảnh phải (Nguồn: Noguera-Morel et al).

- Viêm da quanh miệng (Periorificial dermatitis)

Đặc trưng là các tổn thương sẩn, mụn mủ ở mặt, vùng quanh miệng; có thể có ngứa, nóng rát. Bệnh có thể khởi phát hoặc nặng lên do dùng corticoid bôi, hít.

Một số tác giả cho rằng, viêm da quanh miệng là một thể của trứng cá đỏ thanh thiếu niên, do có sự tương đồng về mô bệnh học và về điều trị.

Biểu hiện bệnh trứng cá đỏ ở trẻ em và cách điều trị - Ảnh 4.

Viêm da quanh miệng và chắp tái phát ở trẻ nam 6 tuổi (Nguồn: Noguera-Morel et al).

- Trứng cá đỏ biểu hiện ở mắt (Ocular rosacea)

Các biểu hiện ở mắt có thể xuất hiện trước các triệu chứng trên da ở 50% trẻ em, và thường khó chẩn đoán ở giai đoạn này. Triệu chứng cơ năng là khó chịu vùng quanh mắt, sợ ánh sáng, kết mạc mắt đỏ, viêm kết mạc, viêm mống mắt... Những trẻ này cần khám bằng các chuyên gia về mắt.

Viêm bờ mi tái phát ở trẻ nữ 3 tuổi - ảnh trái (Nguồn: Chamaillard et al). Sung huyết kết mạc, tăng sinh mạch ở giác mạc, giãn mạch ở mi mắt - ảnh phải (Nguồn: Chamaillard et al).

Tóm tắt các đặc điểm lâm sàng trứng cá đỏ ở trẻ em:

Thể lâm sàngĐặc điểm

Giãn mạch

Ban đỏ dai dẳng có hoặc không có cơn nóng bừng mặt

Sẩn mụn mủ

Ban đỏ ở mặt, cơn nóng bừng với các sẩn, mụn mủ tập trung ở trung tâm mặt

Quanh miệng

Tổn thương sẩn mụn mủ ở vùng quanh miệng, mũi

Trứng cá đỏ mắt

Kết mạc mắt đỏ, viêm kết mạc, viêm mống mắt, sẹo loét giác mạc…

Một tổng kết trên 20 bệnh nhân trẻ em của Chamaillard, có 11 trẻ vừa có tổn thương ở da và mắt, 6 trẻ chỉ có tổn thương da và 3 trẻ chỉ có tổn thương mắt. Tổn thương da hay gặp nhất là dạng sẩn mụn mủ trên nền giãn mạch. 55% bệnh nhân có tổn thương mắt trước tổn thương da. Các biểu hiện mắt thường gặp là viêm bờ mi, viêm mí mắt kết mạc.

5. Trứng cá đỏ ở trẻ em có thể nhầm với các bệnh nào?

  • Trứng cá
  • Sarcoidosis
  • Viêm da tiếp xúc
  • Các u lành ở da
  • Các nhiễm trùng ở da
  • Dị dạng mạch máu

6. Trứng cá đỏ trẻ em có điều trị được không?

Hiện chưa có hướng dẫn điều trị trứng cá đỏ ở trẻ em. Kiểm soát bệnh tương tự người lớn, bao gồm:

- Tránh các yếu tố kích thích: nhiệt, UV, corticoid bôi

- Dùng kem chống nắng vật lý chứa titanium dioxide, kẽm oxide

- Thuốc bôi: metronidazole, azelaic acid, erythromycin, clindamycin, permethrin, tretinoin, benzoyl peroxide, tacrolimus, pimecrolimus

- Thuốc uống: erythromycin, tetracycline (trẻ > 8 tuổi), isotretinoin, ivermectin

Khi bị mụn trứng cá đỏ, nhất thiết bạn phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn điều trị đúng. Việc điều trị mụn trứng cá đỏ đòi hỏi phải kiên trì, do vậy bạn không nên vì sốt ruột mà bỏ cuộc giữa chừng. Đặc biệt là không nên nghe theo mách bảo mà dùng thuốc bôi, thuốc uống bừa bãi sẽ khiến bệnh trở nặng hơn và khó chữa.
Mặt loang lổ mụn nước sau khi đắp mặt nạ detox chữa trứng cáMặt loang lổ mụn nước sau khi đắp mặt nạ detox chữa trứng cá

SKĐS - Bệnh nhân nữ (24 tuổi) đến khám tại BV Da liễu Trung ương do sốt cao, mệt mỏi, mụn nước lõm giữa lan tỏa toàn bộ vùng mặt trong 3 ngày sau khi điều trị đắp mặt, bôi kem được gọi là "detox" tại spa gần nhà để điều trị trứng cá.


BS. Hồ Phương Thùy
BV Da liễu Trung ương
Ý kiến của bạn