Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn như thế nào?

31-08-2024 13:45 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên có nhiều trường hợp người lớn cũng mắc sởi. Vậy, bệnh sởi ở người lớn có biểu hiện như thế nào?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra. Những người chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Virus sởi có trong mũi và cổ họng của người bị nhiễm bệnh. Nếu tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy từ mũi/cổ họng hoặc tiếp xúc với cơn ho, hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm. Người bị mắc sởi thường dễ lây bệnh cho người khác từ 7 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi khởi phát ban đỏ. Ngoài ra, bệnh sởi còn có thể lây từ mẹ sang con qua đường máu trong quá trình mang thai.

Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn

Người lớn ít khi mắc sởi bởi đa số đã nhiễm bệnh từ khi còn nhỏ và được tiêm phòng nên miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp người lớn vẫn mắc sởi do chưa có miễn dịch.

Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn như thế nào?- Ảnh 1.

Khi mắc sởi, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).

Khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày), sau đó bệnh mới phát tán thành các biểu hiện bệnh cụ thể. Những dấu hiệu của bệnh sởi bao gồm:

- Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu.

- Viêm long đường hô hấp trên (ho khan, ngạt mũi, sổ mũi chảy nước mũi).

- Mắt đỏ, cộm, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, sưng nề mi mắt.

- Trong khoang miệng trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên) có thể thấy hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên.

- Phát ban sau sốt cao 3-4 ngày, ban hồng nổi cộm lên mặt da, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Tuy nhiên, biểu hiện của bệnh sởi ở người lớn có thể khác nhau đối với từng người và có thể biến đổi theo tình trạng sức khỏe và hệ miễn dịch của mỗi người. Rất quan trọng để nhận ra và chẩn đoán sớm bệnh sởi để áp dụng biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Biến chứng bệnh sởi ở người lớn

Bệnh sởi ở người lớn nguy hiểm nhất là biến chứng não viêm, gây rối loạn tuần hoàn đường hô hấp làm bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Người lớn mắc bệnh sởi ít gặp các biến chứng về đường hô hấp, tuy nhiên điều nguy hiểm chính là những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện để ngăn chặn.

Ở phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Virus sởi có thể gây biến chứng sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân, thậm chí còn bị các biến chứng dị tật.

Điều đáng lưu ý, nhiều người cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em nên người lớn thường chủ quan, không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh. Từ đó, bệnh dễ lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Biểu hiện bệnh sởi ở người lớn như thế nào?- Ảnh 2.

Phát ban sau sốt cao 3-4 ngày, ban hồng nổi cộm lên mặt da, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân.

Điều trị bệnh sởi ở người lớn

Cũng tương tự như trẻ em, hiện bệnh sởi ở người lớn điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý các biểu hiện sau để kịp thời phát hiện các biến chứng:

  • Nếu bệnh nhân đã hết các biểu hiện nhưng còn sốt, sốt đã hạ nhưng tái phát lại.
  • Cơn ho đột ngột tăng lên, người mệt mỏi hơn.
  • Thở bất thường, nhịp thở nhanh, người bệnh li bì hơn...
Nếu có những biểu hiện trên thì có thể nghi ngờ sởi gây biến chứng, người bệnh cần được thăm khám để chữa trị biến chứng kịp thời. Bởi ghi nhận thực tế cho thấy, người lớn vẫn có nguy cơ nhiễm sởi và có thể gặp các biến chứng nặng nề như viêm cơ tim, viêm não, thậm chí gây tử vong. Vậy nên, dù bệnh sởi ở trẻ em hay người lớn cũng không được chủ quan. Khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị đồng thời tránh lây nhiễm cho người xung quanh.


Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vaccine sởi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa bệnh này.

Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân…).

Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1 - 2 lần/ngày.

Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Bộ Y tế nói gì về việc TPHCM công bố dịch sởi trên địa bàn?Bộ Y tế nói gì về việc TPHCM công bố dịch sởi trên địa bàn?

SKĐS - Việc công bố dịch phụ thuộc vào hai tiêu chí chính đó là theo yếu tố về chuyên môn và khả năng đáp ứng của địa phương. Theo Cục Y tế dự phòng, về tiêu chí chuyên môn, TPHCM đủ điều kiện để công bố dịch sởi.

BS. Trần Quang Đại
Ý kiến của bạn