Loãng xương là một bệnh mạn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, một cách âm thầm, không gây đau đớn gì cho nên người bệnh thường không để ý đến. Hầu hết các trường hợp trong các giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc biệt ngoài những dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên. Càng về sau sự thiếu hụt chất canxi ngày càng gia tăng làm cho xương xuống cấp nghiêm trọng (loãng, xốp xương), các triệu chứng đau nhức xương sẽ rõ rệt hơn. Đó là đau lưng, đau các khớp chân, tay và mỏi bại hông, đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay. Với các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay, đốt sống thắt lưng sẽ dễ dàng bị gãy khi bị ngã, vấp, chấn thương, tai nạn.
Đau nhức xương và các khớp xương thường rõ nhất vào ban đêm. Ngoài đau nhức xương, mệt mỏi, một số triệu chứng khác như chuột rút cũng thường hay xuất hiện ở những người loãng xương.
Hậu quả của loãng xương
Khi bị bệnh loãng xương không được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng không điều trị hoặc điều trị không đúng, hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương.
Lời khuyên của thầy thuốc
Muốn phòng bệnh loãng xương tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein, vitamin D như tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ (chứa nhiều estrogen) vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hoá của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương.
Trên thế giới cứ 30 giây có một người bị bệnh gãy xương do loãng xương và người ta dự đoán rằng đến năm 2050 ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ có 50% các trường hợp tàn phế hoặc bị đe dọa đến tính mạng do gãy khớp háng vì loãng xương gây ra. Khi bị loãng xương, nếu có một lực tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân...) sẽ xuất hiện gãy, lún cột sống, nứt, gãy xương chậu, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay. Khi bị loãng xương, loại xương nào cũng có thể bị nhưng loại nào thường hay bị chịu lực tác động nhiều nhất sẽ để lại hậu quả xấu hơn cả. Vì vậy, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khung chậu chiếm tỷ lệ cao nhất trong bệnh lý loãng xương.
Mời độc giả đón đọc phần 3:"Cách phòng bệnh loãng xương" vào lúc 8h chiều ngày 31/7/2015
BS. Việt Bắc