Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu tháng 11/2023 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc cúm điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới gia tăng hơn so với những tháng trước đó.
Chỉ tính riêng 2 tuần của tháng 11/2023, khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận khoảng 40 trẻ bị cúm. Trong đó, cúm A có tỷ lệ mắc cao nhất. Lứa tuổi mắc cúm phải nhập viện điều trị nội trú đa phần là trẻ dưới 5 tuổi, hoặc các trẻ lớn hơn có bệnh nền.
Cúm A ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, A/H3N2 gây nên. Bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác do có những triệu chứng tương tự, khó phân biệt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm toàn thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm A hoặc cúm B. Trong mỗi đợt dịch cúm, có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng, 290 – 650 ngàn ca tử vong liên quan đến hô hấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cúm A ở trẻ em thường diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Nguyên nhân gây cúm A ở trẻ em thường là do hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa có kháng thể trước cúm do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Mặt khác, vào mùa đông – mùa của dịch cúm bùng phát mạnh, hệ hô hấp của trẻ trở nên nhạy cảm với tác nhân gây bệnh khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Triệu chứng cúm A ở trẻ
Thông thường, để nhận biết cúm A, các chuyên gia cho rằng người bệnh có các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật.
Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho. Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.
Ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước,…
Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.
Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ trẻ mắc cúm A?
TS Tiến Dũng cho rằng, đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn: Trẻ em < 5 tuổi, trong đó trẻ em <2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất. Những trẻ có bệnh lý nền, trẻ ở môi trường đông đúc có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Trên thực tế, đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại nhà, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải nhập viện.
Điều trị tại nhà cha mẹ chú ý cho trẻ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
- Cần vệ sinh mũi họng hàng ngày;
- Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ;
- Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh,
- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tiếp tục bú mẹ nhiều bữa;
- Tắm nước ấm, mặc quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể;
Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời; Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.
Ngoài ra, khi nghi ngờ trẻ mắc cúm mà có các biểu hiện như: Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh; Co giật; Khó thở, thở nhanh… cần đưa tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.