Biểu hiện ban đầu của bệnh bạch hầu

17-07-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Liên quan đến việc 3 người tử vong tại xã Phước Lộc, Phước Sơn, Quảng Nam, kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy...

Liên quan đến việc 3 người tử vong tại xã Phước Lộc, Phước Sơn, Quảng Nam, kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy, 1 trong số 7 mẫu bệnh phẩm có dương tính với bạch hầu.

Chiều 16/7, Cục YTDP, Bộ Y tế gửi Công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam tăng cường phòng chống bệnh này.

Hình ảnh gây bệnh bạch hầu trên kính hiển vi điện tử.

LTS: Thông tin từ Quảng Nam cho biết, tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn có tới hơn chục ca bệnh cùng triệu chứng sốt, đau sưng cổ họng, khiến 3 người tử vong. Theo kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy 1 trong số 7 mẫu bệnh phẩm có dương tính với bệnh bạch hầu. Nhờ thành tựu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), trong vòng 5 năm gần đây Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống dưới 0,01 ca/100.000 dân. Các số ca bệnh chỉ rải rác mà không có vùng dịch, tuy nhiên sự lơ là, chủ quan vẫn có thể tiếp tay cho căn bệnh “sát thủ” này quay trở lại.

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae. Đặc trưng dễ nhận biết nhất của bệnh bạch hầu là lớp màng giả (giả mạc) ở họng hầu hay trong mũi, trên da… Bệnh lây truyền chủ yếu là từ người sang người thông qua các chất tiết đường hô hấp.

Vi khuẩn C.diphtheriae xâm nhập qua đường mũi, miệng rồi định vị ở niêm mạc đường hô hấp trên, sau thời gian ủ bệnh 2-4 ngày, ở những chủng có khả năng tiết độc tố, độc tố được sản xuất, bám vào màng tế bào rồi xuyên qua màng đi vào máu và phát tán đến các cơ quan. Hoại tử mô rất dữ dội tại nơi khuẩn lạc phát triển, sự đáp ứng viêm tại chỗ kết hợp với sự hoại tử mô tạo thành một mảng chất tiết được gọi là giả mạc hay màng giả. Vi khuẩn bạch hầu tìm thấy rất nhiều ở màng giả.

Giả mạc trong bệnh bạch hầu (x).

Biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu thường được phân chia thành các thể tùy theo vị trí biểu hiện như sau:

Bạch hầu mũi: thường khó phân biệt với các bệnh lý viêm mũi họng cấp khác trên lâm sàng. Bệnh cũng biểu hiện bằng xuất tiết mủ-nhầy đôi khi có lẫn máu. Nếu thăm khám cẩn thận sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Sự hấp thu độc tố từ từ và các triệu chứng toàn thân nghèo nàn nên thường làm chậm chẩn đoán.

Bạch hầu họng-amidan: đây là thể bệnh thường gặp nhất của bạch hầu, chiếm tới hơn 2/3 trường hợp. Nhiễm khuẩn tại vị trí này thường kèm theo sự hấp thu độc tố vào máu rất nhiều. Khởi phát bệnh thường là viêm họng âm ỉ. Bệnh có thể biểu hiện sớm bằng các dấu hiệu như mệt mỏi toàn thân, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 - 3 ngày, hoặc có thể chậm hơn tới 5 ngày, một lớp màng màu trắng xuất hiện và lan rộng dần. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amidan đến vòm khẩu cái, màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu và thành sau họng có khi lan xuống thanh khí quản. Nếu bóc màng giả dễ gây chảy máu. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đây là triệu chứng rất nặng nề, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa và tiểu ra máu, tình trạng này kéo dài trong vài ngày, nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc nặng và tử vong.

Thường xuyên vệ sinh cá nhân, sát khuẩn đồ chơi cho trẻ là một cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả.

Bạch hầu thanh quản: có thể do bạch hầu họng lan xuống nhưng cũng có thể do bệnh tại chỗ. Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Dấu hiệu lâm sàng gồm sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Do thanh quản là nơi hẹp nhất của đường thở nên nếu màng giả mạch hầu phát triển ở đây, nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở rất nhanh đưa đến hôn mê và tử vong.

Bạch hầu da: thường gặp ở những vùng nhiệt đới có thể do nơi đây tỉ lệ bệnh lưu hành cao hơn và nhiều người có miễn dịch tự nhiên với bệnh. Đây là một thể bệnh nhẹ và chúng gây bệnh thường không sinh độc tố. Biểu hiện có thể dưới hình thức một ban da bong vảy hoặc một vết mạn tính có bờ rõ.

Bộ Y tế gửi công điện khẩn phòng bệnh bạch hầu (box 2 bài)

Liên quan đến vụ việc 3 người tử vong tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, ngày 16/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có Công điện yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam tăng cường phòng, chống dịch bệnh này. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam gửi báo cáo hàng ngày cho Cục Y tế dự phòng về việc điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị... Chiều 16/7, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, hiện tại tình hình đã ổn định, Sở Y tế đã chỉ đạo điều trị dự phòng hàng loạt theo phác đồ quy định, chỉ đạo và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống tùy diễn biến của dịch bệnh. Quyết tâm không để xảy ra thêm các trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất số mắc. Tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho người dân xã Phước Lộc…

TK

Mời độc giả đón đọc bài 2:"Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu" vào lúc 14h ngày 17/7/2015.

BS.Tô Thị Lan Phương

 

Bạch hầu ở các vị trí khác: có thể gặp là kết mạc mắt, niêm mạc vùng âm hộ - âm đạo hoặc lỗ tai ngoài.


Ý kiến của bạn