Biết ơn các liệt sĩ!

26-07-2015 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã cận kề. Hàng triệu người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc Việt Nam đã hy sinh anh dũng, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã cận kề. Hàng triệu người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc Việt Nam đã hy sinh anh dũng, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Máu đào của các liệt sĩ đã làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, tô thắm thêm màu lá cờ đỏ  thắm của Tổ quốc Việt Nam anh hùng.  Trong đó, tôi tưởng nhớ hai người thân thiết của mình với sự biết ơn và thương tiếc sâu sắc!

1. Tại Lễ kỷ niệm trọng thể 90 năm ngày thành lập bệnh viện (1906-1996), GS.TS. Đỗ Kim Sơn, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong báo cáo về sự hình thành và phát triển bệnh viện, đã trân trọng nêu danh bác sĩ, liệt sĩ Nguyễn Văn Điển.

Bác sĩ, liệt sĩ Nguyễn Văn Điển (giữa, 1939 - 1974).

Anh Nguyễn Văn Điển cùng tuổi tôi, sinh ra và lớn lên tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, anh là người con độc nhất của gia đình, làm nghề nông. Gương mặt sáng sủa của anh với nụ cười chân thành dễ mến, luôn được bạn bè cùng học gần gũi. Cùng tổ học tập, lại cùng học lớp chuyên khoa Thần kinh đầu tiên ở Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi trở thành đôi bạn tri kỷ, hàng sáng chia sẻ cho nhau những củ khoai lang luộc, hay nắm xôi bắp nếp. Đều đặn hàng sáng, chúng tôi đi bộ từ 138A Giảng Võ (Trường Cán bộ Y tế Trung ương) đến Bệnh viện Bạch Mai học. Thấy chúng tôi đi lại vất vả, bệnh viện đã thu xếp cho ở tại Nhà Tròn (thời Pháp thuộc là khu nhà mổ, nay là trụ sở của Trường trung cấp Y tế của bệnh viện). Điển có trí nhớ tuyệt vời. Cuốn vở ghi bài của anh có lẽ chỉ nhỉnh hơn bàn tay. Thấy lạ, tôi xem thì ra anh đã tóm tắt những kiến thức thầy giảng ngay khi nghe thầy nêu ra trên lớp, có nghĩa là, anh đã chuyển hóa kiến thức của thầy thành kiến thức của mình. Tôi hỏi lại nội dung của bài, anh đã trả lời đầy đủ và chi tiết những điều thầy giảng trên lớp. Thảo nào mà anh học cứ như đi dạo chơi vậy.

Kết thúc khóa học với kết quả cao, có sức khỏe được rèn luyện của nghề nông và nguyện vọng của mình, anh được cử sang làm việc ở Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và được ở ngay khu tập thể bệnh viện, đặt sau khu nhà mổ. Gặp anh mới biết rõ, đây là một chuyên khoa không chỉ khó khăn vất vả mà đòi hỏi phải có sức khỏe thật tốt vì có những ca mổ phải đứng 7-8 giờ liền. Do ở ngay trong bệnh viện, anh thường xung phong nhận trực hoặc tham gia phụ mổ ở các chuyên khoa khác, với mục đích có cơ hội học tập thêm. Anh cười nói với tôi, rằng bây giờ, không chỉ mổ thần kinh mà còn mổ được từ đầu đến chân. Điển còn hăng say công tác của Đoàn Thanh niên Lao động - nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - với trách nhiệm là Bí thư BCH Đoàn Bệnh viện. Việc chuyên môn lẫn công tác Đoàn, anh đều làm hết sức mình với kết quả tốt nhất. Cuối năm 1963, từ Bệnh viện Khu Tây Bắc - nơi tôi công tác, tôi được cử về bổ túc chuyên môn tại Hà Nội. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúng tôi rủ nhau đi uống bia hơi - món phổ thông nhất lúc bấy giờ. Anh báo tin cho tôi là anh đã được GS. Tôn Thất Tùng, Giám đốc bệnh viện đề xuất đặc cách anh là bác sĩ do tài năng và phẩm chất của bản thân, và đề xuất đó được cấp trên chấp thuận (khi đó anh đang học hơn nửa thời gian học tại Trường đại học Y khoa Hà Nội). Anh còn báo tin là đã chuẩn bị đi chiến trường miền Nam để được phục vụ đồng bào và chiến sĩ trong đó. Những điều tâm sự của anh làm cho tôi vừa vui mừng vừa lo lắng, vì thời điểm đó, chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Tôi tặng anh chiếc áo len cộc tay mới mua màu mận chín và nói rằng trên đường vào Nam, chắc Điển vượt qua dải Trường Sơn giá rét, hãy nhận món quà nhỏ này để nhớ lại những ngày tháng từng sống và học tập bên nhau. Anh cảm động nói lời cảm ơn. Tôi chúc anh gặp mọi điều may mắn và sớm được gặp lại. Sực nhớ, tôi hỏi anh chuyện vợ con thế nào, anh trả lời bằng nụ cười quen thuộc (sau này, tôi mới biết là anh đang yêu một nữ điều dưỡng viên làm việc tại Hà Nội). Chiến tranh ác liệt xảy ra từng ngày, chúng tôi không có tin tức về anh. Mãi đến năm 1974, trong dịp vào phục vụ cán bộ miền Nam được trao trả sau Hiệp định Paris, tại Khu Điều dưỡng T72 Sầm Sơn, Thanh Hóa, tôi gặp BS. Nguyễn Nguyên Khôi (sau này là Phó Giám đốc BV TW Huế), bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Phú Quốc (cũng là bạn học cùng khóa), tôi sững sờ khi được biết tin Điển luôn tận tụy với năng lực của một phẫu thuật viên có tay nghề cao, đồng thời tham gia tích cực vào việc đào tạo cán bộ y tế; nhưng đau đớn thay, Điển đã hy sinh trong một trận địch ném bom ở Tây Ninh, sau ít ngày hiệp định ký kết. Điển ơi! Thế là cuộc gặp mặt cách đây hơn 10 năm về trước không ngờ là cuộc gặp cuối cùng giữa chúng ta! Xót xa và quặn đau khôn tả! Không biết hai cụ thân sinh anh đã biết hung tin này hay chưa? Và nỗi đau của ông, bà về đứa con trai duy nhất chắc không thể dùng từ ngữ nào mô tả nổi! Mong hai cụ nén đau thương và tự hào về một người con tận trung với nước đã nằm yên nghỉ trên mảnh đất miền Nam thành đồng của Tổ quốc. Trong các chuyến đi công tác các tỉnh phía Nam, tôi cố tìm mộ anh trong đó có Nghĩa trang Đồi 82 (Tây Ninh) - nơi yên nghỉ của hơn chục ngàn liệt sĩ - nhưng chưa tìm được. Tôi còn mắc nợ anh, Điển ạ! Hãy nhớ về quê hương Giao Thủy, về mái trường Cán bộ Y tế Trung ương, về bạn bè và lượng thứ cho chúng tôi, anh nhé!

Liệt sĩ Lâm Đức Trường (1956 - 1978).

2. Người em trai út của tôi - Lâm Đức Trường - là học sinh trường PTTH Nguyễn Huệ, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Là một chàng trai không chỉ say mê các môn toán, văn mà còn mê đọc sách, kể cả sách chính trị hay văn học và thích xỏ giầy đá bóng, nên Trường có kiến thức đồng đều các môn và có thân hình khỏe khoắn, với gương mặt kiên nghị nhưng cởi mở khi giao lưu với mọi người. Tốt nghiệp cấp III (bây giờ là lớp 12), Trường thi đỗ vào Đại học An ninh; nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, em đã xung phong đi bộ đội, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1978, trong dịp đi công tác miền Nam, anh em tôi được gặp nhau tại đơn vị của em, đóng tại thị xã Thủ Dầu Một, thuộc tỉnh Bình Dương bây giờ. Cũng vào năm đó, Trường được đơn vị cho về phép thăm gia đình ít ngày, rồi vội quay lại đơn vị vì tình hình mới. Cuối năm đó, chúng tôi nhận được lá thư của bạn cùng đơn vị với Trường, báo tin Trường vừa anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở Svay-riêng (trên bản đồ Việt Nam có một nơi lõm biên giới phía Tây Nam Bộ, không xa TP. Hồ Chí Minh theo đường chim bay, gọi là Mỏ Vẹt). Thi hài của Trường và đồng đội đã được đưa về nước bằng máy bay trực thăng ngay sau đó. Chúng tôi hiểu ý đồng đội của Trường, nên cố nén đau thương, không dám báo cho bố mẹ biết, sợ các cụ bị sốc, vì chỉ còn một vài tháng ngắn ngủi nữa, Trường sẽ ra quân, trở về học đại học. Ngày 17/2/1979, khi đứng chờ máy bay ở sân bay Gia Lâm để đi công tác phía Nam, loa phóng thanh báo tin chiến sự biên giới phía Bắc đã bùng nổ! Chuyến đi trĩu nặng biết bao cảm xúc đan xen! Hoàn thành công việc, tôi được cơ quan bố trí xe đi tìm nơi yên nghỉ của Trường. Các đồng chí ở Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh rất tận tình hướng dẫn. Đến Mộc Bài, cách biên giới Việt Nam - Campuchia non cây số, chúng tôi rẽ vào Gò Dầu, nơi đặt nghĩa trang. Lần giở sổ ghi chép danh sách liệt sĩ thứ nhất, không có tên em, tôi đã mừng. Khi giở đến mấy trang đầu của cuốn thứ 2, tên của em tôi đã xuất hiện, ghi rõ nơi ở, tên cha, tên mẹ, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh. Mắt tôi nhòe đi và không nén nổi, tôi bật khóc òa, bạn bè của Trường cũng không kìm được cảm xúc. Mấy anh em đưa chúng tôi đến nơi. Chúng tôi vun đắp ngôi mộ, thắp nhang mộ Trường và các ngôi xung quanh trong sự tĩnh lặng đến nghẹt thở. Thời gian sau, các ngôi mộ ở đây đã được quy tập về Nghĩa trang Quân đoàn 4, được xây cất trong một khuôn viên trang nghiêm và bề thế, các ngôi được sắp xếp đều tăm tắp như đội ngũ duyệt binh. Trên cao là bức tượng đài Tổ quốc ghi công với chiếc lư đồng luôn nghi ngút khói hương. Cạnh mộ em tôi là mộ các liệt sĩ đều rất trẻ tuổi, sinh ra ở mọi nơi trên đất nước này. Lứa tuổi ấy, nếu không bị chiến tranh tàn khốc cướp đi mạng sống, đến bây giờ chắc chắn họ sẽ là những con người lao động tốt, những cán bộ có đầy đủ phẩm chất và năng lực xây dựng đất nước phồn vinh.

Thời cuộc luôn có thuận lợi, thành công lẫn khó khăn, thử thách. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ta trong thế kỷ XX trải qua hơn 30 năm, dân tộc Việt Nam dù phải  gánh chịu biết bao tổn thất hy sinh, nhưng chúng ta vẫn vững vàng và chiến thắng mọi kẻ thù dù chúng có sức mạnh và thâm hiểm, hung ác đến chừng nào, vì chúng ta có chính nghĩa, vì sự đoàn kết của toàn dân tộc, chúng ta có đường lối đúng đắn và cả loài người tiến bộ trên thế giới luôn sát cánh ủng hộ chúng ta.

Chúng ta ghi lòng tạc dạ, biết ơn sâu sắc các liệt sĩ!

Sự hy sinh của các liệt sĩ sẽ làm tăng thêm khí phách và truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta, truyền lại cho thế hệ chúng ta và con cháu mai sau sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời vẻ vang của các liệt sĩ luôn sống mãi trong lòng người dân đất Việt!

  Hà Nội, tháng 7 năm 2015

Bài và ảnh: Lâm Đức Hùng

 

 


Ý kiến của bạn