Biết nguy hiểm vẫn vi phạm?!

15-07-2013 23:31 | Thời sự

Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp thời gian qua là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân, gây ra sự cố mất điện trên diện rộng, làm hư hỏng hệ thống lưới điện...

Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp thời gian qua là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân, gây ra sự cố mất điện trên diện rộng, làm hư hỏng hệ thống lưới điện...

Lo lắng vì điện

Sự cố một ngọn cây chạm vào đường dây truyền tải 500kV gây mất điện toàn khu vực phía Nam tại tỉnh Bình Dương vào hạ tuần tháng 5 cảnh báo nguy cơ hệ thống truyền tải điện đang bị đe dọa rất cao. Thế nhưng, hàng loạt các vụ tai nạn xung quanh vi phạm an toàn lưới điện cao áp xảy ra gần đây đã đặt ra vấn đề, nhiều người biết nguy hiểm nhưng vẫn bất chấp tính mạng để thử thách số phận. Và hậu quả thật đáng tiếc. Vụ việc mới đây xảy ra vào sáng 13/7, tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nạn nhân là anh Nguyễn Minh Hiển (SN 1978, trú tại địa chỉ trên). Anh Thuận, hàng xóm của nạn nhân kể lại, vào khoảng thời gian trên, anh nghe tiếng động mạnh sau vườn nên đã chạy ra xem. “Tôi và người nhà anh Hiển hốt hoảng khi thấy anh Hiển bất tỉnh, nằm úp mặt xuống đất, cổ thâm đen. Mọi người tìm cách cáp cứu anh Hiển để anh tỉnh lại nhưng không được” - anh Thuận nói. Theo người nhà nạn nhân, trong lúc sửa mái tôn bị hỏng, anh Hiển bị đường điện cao thế phóng trúng người, rơi xuống đất. Tại hiện trường, 3 sợi cáp điện cao thế võng sát mái nhà nạn nhân.

Biết nguy hiểm vẫn vi phạm?! 1
 Vi phạm hành lang an toàn lưới điện đường dây  110 kV.

Hay như trường hợp, căn nhà của gia đình ông Vũ Văn Đức ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội là một điển hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Năm 2002, gia đình ông Đức xây căn nhà kiên cố mái bằng, rộng 60m2, thời điểm đã có đường dây điện 110kV chạy qua. Biết vậy, nhưng công trình nhà ông vẫn được khánh thành dù chỉ cách đường dây điện trần chưa đầy 2m. “Mỗi khi có mưa gió to hoặc phải làm việc gì trên sân thượng ngôi nhà, mọi người trong gia đình rất lo lắng, nhất là đối với trẻ nhỏ, không biết trèo lên sân thượng sẽ có nguy cơ rất cao bị phóng điện từ đường dây” - ông Đức phân trần. Hà Nội hiện đang tồn tại trên 1.555 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trong đó có nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân, hoặc gây mất điện cục bộ tại một số nơi nếu xảy ra sự cố. Ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết: Vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở Hà Nội đã ở mức hết sức nghiêm trọng, là vấn đề nhức nhối trong quản lý an toàn hành lang lưới điện. Ông Thiện nhấn mạnh: Khi sự cố xảy ra xuất phát từ những vi phạm hành lang, hậu quả sẽ rất khó lường. Thế nhưng có một thực tế, hiện nay chính quyền địa phương cũng như nhiều người dân còn thờ ơ, xem nhẹ tính mạng và tài sản của mình và xã hội, vẫn ngang nhiên xâm phạm hành lang lưới điện, dù nhiều lần bị ngành điện lập biên bản, xử lý.

Có chế tài mới đủ răn đe?

Chưa có con số thống kê chính thức của ngành điện về vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên toàn quốc, nhưng qua báo cáo của một số địa phương cho thấy, hầu như địa phương nào cũng để xảy ra tình trạng này. Tại TP.HCM, Tổng Công ty Ðiện lực TP.HCM cũng đã thống kê, nếu như trong năm 2012, toàn thành phố đã xảy ra 14 vụ xâm phạm lưới điện ở cấp điện áp 110kV thì chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013 đã có tới 10 vụ xâm phạm công trình điện gây sự cố mất điện ở cấp điện áp 110kV, gồm 4 vụ do các phương tiện cơ giới xâm phạm (40%); 4 vụ do dây kim tuyến, bóng bay, diều xâm phạm (40%); 1 vụ do gió lốc đổ cây vào công trình điện (10%); 1 vụ do giàn giáo công trình xây dựng đổ xâm phạm (10%).

Theo ông Hoàng Anh Toàn, Đội phó Đội đường dây, thuộc Xí nghiệp điện cao thế, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai: “Hoạt động dưới đường dây điện cao áp rất nguy hiểm, vì nó dễ dàng phóng điện tới bất kể loại dụng cụ nào có khả năng tiếp điện. Một đường dây thông tin, hoặc một cây sào bằng kim loại, nếu vô tình vi phạm khoảng cách an toàn với lưới điện cao thế cũng sẽ gây nguy hiểm".

Các địa phương đang kiến nghị sớm xây dựng quy định chung về cao độ của nhà, công trình nằm dưới hành lang lưới điện cao thế. Điều cần thiết là phải có chế tài đủ sức răn đe đối với các chủ công trình không thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn trong thi công, gây ra sự cố lưới điện cao thế. Có như vậy mới đẩy lùi tình trạng lưới điện cao thế bị xâm hại, ngăn ngừa tai nạn điện cho người dân và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục.   

Ðể tránh tai nạn do phóng điện, không được vi phạm khoảng cách an toàn đối với các thiết bị mang điện. Cụ thể, điện áp 500kV khoảng cách an toàn phải từ 5m trở lên. Ðiện áp 220kV khoảng cách là 2,5m và điện áp 110kV khoảng cách an toàn là 1,5m. Nếu vi phạm khoảng cách an toàn này, rất dễ xảy ra hiện tượng phóng điện từ nguồn điện sang cơ thể con người. Nếu điều kiện bắt buộc thi công thì phải có các thiết bị bảo hộ, thực hiện theo đúng quy trình.

                          Vũ Quỳnh

 


Ý kiến của bạn