Tuy nhiên, có đến 40% trường hợp người suy tim không thể tìm được nguyên nhân cụ thể. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do suy tim lên tới 45% trong tổng số bệnh nhân mới mắc hàng năm. Vì vậy, việc phát hiện sớm và khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng.
Suy tim thường là hậu quả của nhiều bệnh tim gây ra. Đây là trạng thái bệnh lý trong đó cơ tim bị giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể. Bình thường tim có khả năng dự trữ ôxy để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong các thời điểm khác nhau; khi bị suy tim, cơ thể thiếu ôxy nên phát sinh hàng loạt triệu chứng bệnh lý, trong đó phổ biến là khó thở, ho, phù... Suy tim diễn tiến chậm trong nhiều năm, có nhiều biểu hiện giống với một số bệnh về đường hô hấp nên khó chẩn đoán.
Tim suy yếu do đâu?
Các chuyên gia phân chia các loại suy tim thành: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn thể. Theo đó, tất cả các bệnh làm ứ đọng máu trong thất trái hoặc làm cho thất trái làm việc quá nhiều đều gây suy tim trái như: bệnh hở van hai lá, hở van động mạch chủ, tăng huyết áp động mạch, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim do thấp tim hoặc do nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nhất là viêm cơ tim do virut.
Ngoài ra, các trường hợp cản trở quá trình đẩy máu từ tim phải lên phổi đều gây suy tim phải như: hẹp van hai lá, bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, xơ phổi, dính màng phổi, giãn phế quản...), bệnh tim bẩm sinh (hẹp động mạch phổi). Bên cạnh các nguyên nhân trên, suy tim còn là hậu quả của tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài, mạn tính. Bệnh nhân bị đái tháo đường, người sử dụng hóa chất để điều trị ung thư, bệnh cơ tim do uống quá nhiều rượu... cũng có khả năng bị suy tim.
Bệnh suy tim có nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó khó thở có thể là một trong những dấu hiệu phổ biến. Tuy nhiên, theo Viện Tim mạch học Việt Nam, không phải cứ khó thở khi làm việc nặng là bị suy tim bởi đôi khi rất khó có thể phân biệt được chính xác nguyên nhân các dấu hiệu trên là do suy tim hay do bệnh ở phổi hoặc các bệnh hô hấp khác. Ho cũng là một biểu hiện khác của bệnh này. Ho có thể kéo theo khạc ra đờm lẫn máu, ho tăng khi nằm ngủ. Viêm cơ tim, tắc động mạch vành gây suy tim còn khiến người bệnh gặp phải những cơn đau xương ức lan ra cánh tay trái. Mệt mỏi, phù, tiểu đêm cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán suy tim.
Khác với suy tim trái, khi bị suy tim phải, máu về tim phải khó nên ứ lại ở ngoại biên làm ảnh hưởng đến gan. Ngoài triệu chứng khó thở, người bệnh sẽ có biểu hiện xanh tím do lượng huyết cầu tố khử tăng, môi, lưỡi dễ bị tím, có khi là tím toàn thân.
Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim mạch giúp làm chậm lại diễn tiến của bệnh. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu như: đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, ho, phù, không nên chủ quan nhất là khi bạn đang mắc các bệnh về tim mạch.
Xác định và điều trị suy tim
Nguyên tắc cơ bản trong điều trị suy tim là xác định căn nguyên gây suy tim. Muốn xác định căn nguyên này, các bác sĩ sẽ tiến hành nhiều xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh. Hiện nay, phương pháp siêu âm tim được áp dụng phổ biến, cho phép đo đạc kích thước buồng tim, phát hiện các bệnh lý van tim, đánh giá sức co bóp cơ tim.
Ngoài ra, suy tim còn có thể được xác định bằng chụp xạ hình cơ tim, chụp cản quang buồng tim... Bằng cách đo nồng độ chất NT-proBNP trong máu, các bác sĩ không những chẩn đoán chính xác suy tim mà còn giúp phát hiện sớm suy tim ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
Điều trị suy tim phải bắt đầu từ giai đoạn sớm vì khi tổn thương cơ tim đã hình thành ở giai đoạn nặng thì khó có thể cứu vãn. Khi đã xác định rõ nguyên nhân dẫn đến suy tim, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ hoặc sửa van tim hay dùng thuốc để ngăn chặn diễn tiến của bệnh theo chiều hướng xấu.
Bác sĩ khám bệnh nhân bị đau tim.
Lối sống cho người suy tim
Suy tim là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy người bệnh cần chú ý giữ gìn sức khỏe, đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý để không ảnh hưởng tới tình trạng của bệnh: Ăn chế độ giảm muối (giảm mặn, không mì chính...) vì ăn nhiều muối sẽ gây giữ nước và phù. Nên tránh mì chính, bột ngọt (là một dạng muối), các đồ chế biến sẵn. Lựa chọn các thức ăn có ít muối. Lượng muối trung bình một ngày không nên quá 2g.
Một số bệnh nhân nên hạn chế nước (uống và ăn) nhất là khi bệnh nặng.
Giảm cân nếu quá cân.
Không uống rượu nhất là đối với bệnh nhân suy tim do rượu.
Hoạt động thể lực phù hợp, tránh gây quá tải cho tim, nên theo lời khuyên của bác sĩ. Không nên chỉ ngồi một chỗ vì suy tim làm ứ máu, nếu không vận động sẽ khiến dễ bị tắc mạch hơn. Tuy nhiên, không giống như các cơ bắp khác, hoạt động nhiều không làm tim khỏe hơn mà có thể còn có hại nếu quá mức. Tốt nhất là tuân thủ chế độ hoạt động thể lực theo lời khuyên của bác sĩ. Biện pháp dễ làm nhất và có hiệu quả là đi bộ, bắt đầu từ từ và tăng dần từng tí một. Dừng ngay nếu khó thở, đau ngực hoặc hoa mắt.
Theo dõi cân nặng hàng ngày, tăng cân là dấu hiệu sớm cho biết tình trạng ứ nước trong cơ thể, suy tim nặng lên.
Dành thời gian để nghỉ ngơi, nhất là khi mệt.
Không hút thuốc lá.
Uống thuốc đều theo đơn. Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Nên uống thuốc vào các giờ nhất định tùy theo công việc hay hoạt động để tránh quên thuốc. Cần nhớ các thuốc chữa suy tim không phải là thuốc bổ, không thể tự thay đổi liều. Rất nhiều người tự ý ngừng một loại thuốc chỉ vì khó uống (như gói muối kali) hoặc tự tăng liều vì coi đó là thuốc trợ tim (như digoxin) mà không biết rằng bác sĩ đã phối hợp các thuốc với liều tối ưu để tránh biến chứng. Nhiều người đã tử vong tại viện vì những sự tự ý như vậy.
Đi khám ngay nếu có các biểu hiện bất thường hoặc khi các dấu hiệu suy tim nặng lên. Đối với suy tim, điều trị càng sớm càng dễ dàng và hiệu quả.