Sau này ra trường đi làm, tôi luôn đối diện với những đêm dài trực bệnh viện, khi đứng trước ca bệnh, để quyết định cách điều trị, không chỉ có tôi mà cả các bác sĩ trưởng ca trực thường suy nghĩ rất nhiều để đưa ra cách điều trị phù hợp nhất, nhưng hiếm khi bệnh nhân biết được điều đó.
Trong sản khoa, khi thăm khám quyết định để sản phụ sinh thường hay sinh mổ, cả kíp trực và bác sĩ chính phải đắn đo mãi để tìm cách tốt nhất cho thai phụ vì sinh mổ nhiều nguy cơ, đặc biệt lúc đó cổ tử cung mở trọn, đầu em bé lọt sâu, nguy cơ bắt em bé khó, nhưng lúc đó thai phụ không hiểu cho y bác sĩ mặc dù chúng tôi đã giải thích rất nhiều.
Đặt mình vào vị trí của bệnh nhân sẽ giúp các thầy thuốc tư vấn dễ dàng hơn.
Bệnh viện của tôi nằm ở một huyện vùng trung du, đặc điểm chung của các bệnh nhân khi đã vào khoa đều là những bệnh nhân nặng, chủ yếu là cấp cứu do sốc chấn thương, sốc nhiễm khuẩn; suy hô hấp; đột quỵ não; các bệnh lý về ngộ độc (thuốc trừ sâu, ma túy, thực phẩm)... nên áp lực công việc đối với các y bác sĩ ở đây là rất lớn, không chỉ về mặt thời gian mà còn là sự bức xúc, lo lắng của người nhà bệnh nhân. Nhưng cũng chính từ môi trường này, tôi đã học được rất nhiều ở các đồng nghiệp có thâm niên, không chỉ về chuyên môn mà còn cả sự sắp xếp khoa học trong một bệnh viện đa khoa; cách ứng xử với bệnh nhân và rèn cho mình đức tính nhẫn nhịn để chia sẻ với nỗi lo, bức xúc của người nhà bệnh nhân. Có những trường hợp người bệnh vào đây đã quá nặng, biết là không thể chữa khỏi nhưng một mặt vẫn phải tích cực cấp cứu khẩn trương với thái độ nhiệt tình, nhã nhặn; mặt khác, phải động viên, giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu về tình trạng bệnh tật của người bệnh để họ chia sẻ, thông cảm và không thể trách được mình nếu như có tình huống xấu nhất xảy ra.
Tôi nhớ như in vào một buổi sáng, vị bác sĩ già ngồi khám bệnh để hỗ trợ tinh thần và chuyên môn cùng các bác sĩ trẻ mới vào như tôi. Đang khám và dạy học viên, bỗng có bác sĩ trẻ thỏ thẻ: Nhờ thầy tư vấn ca này giúp ạ!
Vị bác sĩ nhẹ nhàng hỏi lại: Sao em không tư vấn?
Bác sĩ trẻ nói: Em và anh bác sĩ nữa nói mà người nhà chưa chịu.
Vị bác sĩ đứng dậy bước đi, tất cả chúng tôi đi theo. Khi bước vào phòng, ông mời hai vợ chồng người bệnh ngồi xuống ghế. Vị bác sĩ nói: Anh chị còn gì băn khoăn à?
Anh chồng nói: Họ nói vợ tôi bị thai ngoài tử cung và đưa ra cách điều trị là nếu mổ thì triệt sản luôn. Tôi không chịu, vì đâu phải ai có hai con đều phải triệt sản.
Vị bác sĩ già chững ra mấy giây và nói: Chuyện đâu còn có đó mà. Rồi ông lật chậm từng tờ bệnh án và nhìn chăm chú các dữ kiện, vẻ mặt đăm chiêu. Vài phút trôi qua, vị bác sĩ nói: Vợ anh bị thai ngoài tử cung, có beta hCG khá cao, khối thai lại gần 4 phân, mặt khác, chị nhà mình tuổi cũng không còn trẻ, đã 41 tuổi rồi, mà anh chị cũng đã có hai con... nên chúng tôi ưu tiên mổ nội soi để giải quyết nhanh, gọn và giúp chị nhà được ra viện sớm. Một điều quan trọng nữa là trong khi thực hiện mổ, bác sĩ có thể triệt sản giúp vòi trứng bên kia luôn. Để làm được điều này thì cần cả anh lẫn chị phải ký giấy đồng ý thì bác sĩ mới làm được. Mà nói thật cho anh biết, triệt sản không làm ảnh hưởng sức khỏe hay tinh thần gì cho vợ anh, mà khi triệt sản xong, chị đỡ lo, có thời gian chăm sóc bản thân nên đẹp hơn xưa thôi.
Khi vị bác sĩ nói xong, mặt anh chồng tươi tỉnh hẳn lên. Ông nói tiếp, vậy anh chị đã hài lòng chưa? Người chồng liền đỡ lời, tôi hiểu rồi, tại nãy mấy bác sĩ kia nói nhanh quá tôi chưa hiểu ạ.
Quay về phòng trực ban đầu, vị bác sĩ già mới dặn chúng tôi: Là một bác sĩ có lòng tốt và nhiệt huyết chưa đủ mà còn cần phải hiểu tâm lý bệnh nhân nhiều khi người nhà bệnh nhân cùng người bệnh không hợp tác, nhất là khi đưa ra vấn đề nhạy cảm như: triệt sản, bệnh nặng, không cứu được nữa...
Chúng tôi - những bác sĩ trẻ đã học được rất nhiều bài học từ ghế nhà trường nhưng đi làm mới là môi trường học được cách ứng xử. Tôi nhớ mãi câu nói của vị bác sĩ già: Các em thấy đó, tư vấn không dễ đâu, mình phải đắm chìm trong hoàn cảnh mới hiểu hết tâm trạng bệnh nhân.
Để thương yêu người bệnh, cán bộ y tế phải nắm vững quy luật diễn biến tâm lý người bệnh, thân nhân người bệnh và đặt mình vào vị trí của họ để thấu cảm, thương yêu và phục vụ họ tốt hơn. Người thầy thuốc không những tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp mà còn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, có như vậy mới có thể đem đến cho bệnh nhân các dịch vụ y tế chất lượng, tạo được lòng tin đối với người dân.