Gần đây, dư luận ồn ào về một cái xe biển trắng nhưng lại được cấp biển xanh dù nó đã có biển trắng và lại vẫn điềm nhiên đeo biển xanh chạy nghênh ngang ở tỉnh nghèo Hậu Giang. Nhắc tỉnh nghèo là bởi cái xe này đến mấy tỷ bạc, trong khi tiêu chuẩn đã quy định ai làm ở cỡ nào thì được đi xe giá bao nhiêu.
Cái chuyện phân cấp xe hiện nay cũng đang có nhiều ý kiến. Trong đó ý kiến được khá đông người ủng hộ là khoán tiền xe vào lương. Nghe nói ở một số nước, Thủ tướng Chính phủ có khi cũng tự lái xe đi làm.
Và cũng nghe nói, ở các nước, người ta không phân chia ra xe biển xanh biển trắng làm gì, mà chỉ có một loại biển duy nhất dành cho tất cả các loại xe, chấm hết.
Hiện tượng xe công đậu đầy bãi đỗ xe của chùa Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh trong giờ hành chính không phải hiếm. Ảnh TL
Và quả thật, tôi cũng không thể nào hiểu nổi là tại sao hiện nay lại có người vẫn “mê” cái biển xanh đến thế. Tôi thì ngược lại, mê cái xe biển trắng của mình vô cùng, đến mức giờ đi đâu được điều xe biển xanh đưa đi tôi đều từ chối để đi xe của mình và tự hào vì mình có xe biển trắng. Bởi nó là của mình, là công sức, mồ hôi của mình làm ra để sắm nó. Biển xanh chỉ chứng tỏ một điều: anh là người đạt đến tiêu chuẩn ấy, để khoe với làng nước, vợ con. Nhưng để làm gì nhỉ, khi mà cái xe, nghĩ cho cùng nó chỉ là phương tiện, để phục vụ con người. Và cái sự khoe ấy là ngày xưa kia, chứ dân trí giờ, người ta chả coi biển xanh sang trọng hơn biển trắng nữa đâu, có chăng chỉ ở một số rất ít những người như ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang ấy và vì thế mà bị... lộ.
Đi xe biển trắng có mấy cái lợi, một là không phải chi phí cho một lái xe. Khoản này nếu tính ra cũng rất lớn chứ không phải ít. Thứ hai là xăng rẻ hơn. Điều này ai cũng biết nhưng không nói ra thôi. Xăng cấp cho lái xe bao giờ cũng dư mấy lít so với thực tế, cộng lại một năm nhân với đầu xe sẽ ra kết quả...
Nhưng với cái vụ xe biển xanh ở Hậu Giang mà Tổng Bí thư phải vừa ra chỉ thị yêu cầu đến 9 cơ quan Trung ương vào cuộc, nó lại không chỉ là... xe biển xanh.
Cái việc anh Phó Chủ tịch cho rằng tỉnh nghèo nên phải mượn xe biển trắng từ Hà Nội vào để đi rất khó thuyết phục người khác, mà người ta hiểu ngay rằng, anh này quen đi xe xịn 5-7 tỷ, giờ ngồi cái xe tiêu chuẩn Phó Chủ tịch có 800 triệu nó “bức bối” không chịu được.
Thêm nữa, người cho anh mượn cái xe mấy tỷ giờ lại cũng tình nguyện vào lái xe cho anh với lương 3 triệu một tháng càng khiến dân tình mắt chữ o mồm chữ e vì... ngạc nhiên.
Nhưng trên hết nữa, người ta biết đến anh này, trước đấy đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đơn vị từng được phong Anh hùng Lao động và dù là được phong anh hùng, nhưng đơn vị này liên tiếp thua lỗ. Báo Thanh Niên gần đây thống kê cho biết “Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỷ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm. Dưới thời điều hành của Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, PVC sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72%) đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, báo cáo của Ban kiểm soát cho hay việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp. Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng”...
Đang cơn nước sôi lửa bỏng ấy, dù Thủ tướng Chính phủ thời ấy Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiểm điểm làm rõ và quy trách nhiệm thì ông Trịnh Xuân Thanh, sau vài đường chuyền ban, vài cú ngoắt bóng, đã trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và đang lùm xùm vụ biển xanh biển trắng như đã nói.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư lại giao đến 9 cơ quan lớn của Trung ương là Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vào cuộc vụ này, bởi nói là biển trắng biển xanh, nhưng nó không chỉ là biển trắng biển xanh, mà nó còn nhiều vấn đề ngoài xanh ngoài trắng, có thể có nhiều vấn đề mà từ vụ này, nỗ lực chống tham nhũng, chống tham ô lãng phí, nỗ lực trong sạch hóa đội ngũ cán bộ của Tổng Bí thư và của Đảng ta mới bắt đầu phát huy hiệu lực một cách cụ thể.
Và vì thế không lý do gì chúng ta không ủng hộ Tổng Bí thư, từ vụ việc cụ thể này...