Thời gian gần đây, dịch vụ tín dụng đen nở rộ, kéo theo đó là dịch vụ đòi nợ thuê - một biện pháp hữu hiệu mà rất nhiều chủ nợ tìm đến để thu hồi vốn, lãi. Đặc biệt, nhiều trường hợp khoản nợ không rõ ràng, nhưng các đối tượng, công ty đòi nợ thuê vẫn “vào cuộc” vì phí dịch vụ cao; đây là nguồn gốc hình thành nên các đối tượng côn đồ đi đòi nợ bằng các “chiêu” siết nợ theo kiểu giang hồ, xã hội đen.
Đủ thủ đoạn đòi nợ thuê
![]() Nhóm đối tượng liên quan đến tín dụng đen và đòi nợ thuê bị cơ quan công an bắt giữ. |
Mới đây, chiều 7/3, TAND TP. Lạng Sơn tuyên phạt Vi Hồng Quân (tức Quân Đỏ, SN 1986) 9 tháng tù về hành vi cố ý gây thương tích. Quân khai được một người thuê đến nhà chị Nguyễn Thị Thoa ở xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn đòi nợ hơn 300 triệu đồng. Rạng sáng 28/8/2012, nhóm của Quân gồm Phạm Minh Anh (SN 1987), Trần Văn Thanh (SN 1987), Đinh Đức Hoàng (SN 1990, đều ở TP. Lạng Sơn) đến nhà chị Thoa đạp cổng, đập vỡ xe máy và một số đồ đạc trong sân.
Tại Hải Phòng, ngày 30/11/2012, CAQ Ngô Quyền đã ập vào khách sạn Rose trên địa bàn quận bắt giữ nhóm đối tượng đòi nợ thuê khi chúng đang giam giữ trái phép anh Hoàng Văn Bình (SN 1968, Giám đốc Nhà máy nước Tân Phong, có vay nợ của chị Hoàng Thị Bình, SN 1976, ở xã Minh Tân, Kiến Thụy trên 700 triệu đồng nhưng khất nợ nhiều lần không trả) chờ người nhà đến nộp tiền. Trước khi được giải cứu, anh Bình đã bị nhóm giang hồ đòi nợ thuê khống chế, ép lên ôtô đưa đi, ngoài việc bị đánh đập, anh Bình đã bị một đối tượng dùng tông đơ “gọt” tóc thành kiểu đầu 3 chỏm hình trái đào, chụp ảnh dọa tung lên mạng internet rồi đưa vào khách sạn giam giữ.
Trước đó không lâu, vào tối ngày 24/11/2012, người dân phố Yên Phụ, Hà Nội bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn. Sau khi vụ việc được cơ quan chức làm rõ thì đó là một vụ thảm sát bằng mìn tại số nhà 20/114 phố Yên Phụ do mâu thuẫn từ việc vay vợ. Thủ phạm vụ nổ mìn là Hà Phương Lương (SN 1962, ở Hoàng Mai, Hà Nội) có cho bà Lan ở số nhà 20/114 Yên Phụ vay một khoản tiền nhưng đến hạn mà bên vay không trả. Thực tế Hà Phương Lương cũng là một con nợ của nạn vay “nóng” trả “nguội”, bị thúc ép trả nợ khiến Lương cùng quẫn mang súng và mìn tự chế đến nhà con nợ “xử lý”. Đến nơi, Lương đã không gặp con nợ mà lại gặp anh Nghĩa, em trai con nợ nên đã dùng súng tự chế bắn vào cổ anh Nghĩa. Hoảng sợ, anh Nghĩa chạy xuống tầng dưới thì Lương đã sử dụng mìn tự chế định đánh sập nhà con nợ nhưng mìn nổ tại chỗ khiến Lương tử vong.
Cần siết chặt loại hình “công ty thu hồi nợ”
Hiện nay, dịch vụ đòi nợ thuê theo dạng “công ty thu hồi nợ” đều lách luật để làm “luật” bằng cách chuyển hướng sang “nhắc nợ”, “đeo bám” con nợ. Các đối tượng côn đồ thường siết nợ bằng cách “khủng bố” tinh thần để che giấu dấu vết gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều công ty đòi nợ thuê không thực hiện dưới hình thức đòi nợ thuê theo đúng nghĩa mà thực hiện theo kiểu hình thức nhận “gán nợ”. Sau đó, các đối tượng tiến hành những thỏa thuận về dân sự, “trói” dần nợ, gây sức ép bằng nhiều cách khác không đến mức để bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Để tránh những trường hợp đòi nợ, siết nợ xảy ra theo chiều hướng xấu, các cá nhân hoặc công ty khi vay tiền cần phải thiết lập hợp đồng vay nợ rõ ràng. Nếu không thực hiện được đúng hợp đồng, hai bên cần phải đưa nhau ra tòa dân sự hoặc kinh tế giải quyết, tránh để cho các đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật ép nợ, siết nợ.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng VP Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cụ thể là Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ban hành ngày 14/6/2007. Theo đó, để được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu như có vốn pháp định 2 tỷ đồng. Không được kinh
doanh các ngành nghề khác. Cán bộ quản lý phải là những người không có tiền án, tốt nghiệp đại học các ngành như Kinh tế, Quản lý, Luật, An ninh. Người lao động trong doanh nghiệp cũng phải là người không có tiền án, tốt nghiệp trung cấp các ngành Kinh tế, Quản lý, Luật, An ninh... Đặc biệt, Điều 11 của Nghị định này quy định các hành vi bị cấm khi thực hiện dịch vụ đòi nợ, cụ thể là doanh nghiệp đòi nợ thuê không được thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của con nợ, chủ nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Để kiểm soát hoạt động đòi nợ thuê, đã đến lúc các cơ quan pháp luật cần rà soát, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt, cần kiên quyết trấn áp, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen. Cùng đó, cần có những biện pháp để quản lý chặt các tổ chức kinh doanh tiền tệ biến tướng, “siết cổ” những người đi vay nhằm ngăn chặn những mầm mống của sự mất trật tự an toàn xã hội.
Trần Anh