Có thêm 1 biến chủng của virus SARS-CoV-2 là biến chủng R.1 (biến thể R.1). Các đột biến tìm thấy trên chủng này có thể khiến cho mầm bệnh lây lan nhanh hơn cũng như tăng khả năng chống lại kháng thể ở những người tiêm chủng đầy đủ.
Một năm rưỡi đã trôi qua và COVID-19 tiếp tục tàn phá khắp thế giới. Trong khi các biến thể Delta vẫn là dòng chiếm ưu thế nhất trên toàn cầu, thỉnh thoảng các biến thể mới vẫn tiếp tục xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chủng mới có tên là R.1. Mặc dù nó vẫn chưa được coi là một biến thể đáng lo ngại, nhưng các chuyên gia đã khuyến cáo mọi người nên cảnh giác, vì nó có thể rất dễ lây nhiễm.
Biến thể R.1 đã lan rộng đến đâu?
Biến thể mới này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2020 tại Nhật Bản. Đến nay, biến chủng R.1 đã được phát hiện tại 35 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ của Mỹ. Báo cáo mới nhất cho biết, đã có khoảng 10.000 ca bệnh liên quan đến R.1 được phát hiện trên khắp thế giới. Mỹ và Nhật Bản là hai nước ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến biến chủng này nhất (hơn 2.200 ca tại Mỹ và hơn 7.500 ca tại Nhật Bản). Tại Mỹ, biến chủng này đã xuất hiện tại 47 bang.
Một báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cho thấy các đột biến R.1 tồn tại ở Mỹ từ tháng 4/2021. Nó được phát hiện tại một nhà dưỡng lão ở Kentucky, nơi nhiều bệnh nhân đã được tiêm chủng đầy đủ.
So với số ca bệnh gây ra bởi các chủng nguy hiểm khác, chẳng hạn như chủng Delta, thì số ca bệnh liên quan đến biến chủng R.1 chưa phải là quá nhiều nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn cần theo dõi biến chủng mới này để có những đánh giá kĩ càng.
Biến thể R.1 của SARS-CoV-2 có gì khác biệt và nguy hiểm thế nào?
Mỗi biến thể có thể ảnh hưởng đến con người theo những cách khác nhau. Đối với biến chủng R.1, các nhà khoa học đã báo cáo rằng nó chứa ít nhất 5 đột biến, có khả năng lây lan nhanh hơn và chống lại các kháng thể. Nó có khả năng khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine và điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Không những thế, biến chủng R.1 dường như sở hữu một tập hợp các đột biến duy nhất có thể dẫn đến sao chép và gia tăng khả năng lây truyền.
Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản coi R.1 là "biến chủng đáng quan tâm".
Có nên lo lắng về biến thể R.1 không?
Theo Amesh A. Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, biến thể R.1 là một phiên bản của virus SARS-CoV-2 có các đột biến liên quan đến những thay đổi trong chức năng của virus. Nói cách khác, như với bất kỳ chủng virus mới nào, R.1 có thể có những ảnh hưởng khác với phiên bản virus gốc.
Điều đó có nghĩa là khi có một biến thể mới xuất hiện, chúng ta không cần phải vội hoảng sợ. Mặc dù bất kỳ biến thể mới nào cũng có thể gây ra mối đe dọa, nhưng Tiến sĩ Adalja nói rằng không có khả năng biến thể R.1 sẽ vượt qua biến thể Delta. Mặc dù vậy, ông cũng nói rằng nó có thể ảnh hưởng đến nhiều người được tiêm vaccine COVID-19 hơn.
Hiện tại, biến thể R.1 chỉ chiếm 0,5% các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ và trên toàn thế giới. Theo Ramon Lorenzo Redondo, tiến sĩ, trợ lý giáo sư nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, thì đột biến R.1 chưa được xác định trình tự - hoặc xác định về mặt di truyền.
Phòng ngừa lây nhiễm biến thể R.1 như thế nào?
Theo các nhà khoa học, việc phòng ngừa nhiễm bệnh được áp dụng giống nhau với tất cả các biến thể, kể cả khi một biến chủng mới được xác định. Tiến sĩ Adajia cho biết: Sẽ có nhiều biến thể mới giống như biến thể này, cách tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân trước bất kì chủng virus SARS-CoV-2 nào là tiêm vaccine đầy đủ và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, tránh đưa tay lên mặt...
Bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm cũng là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn virus liên tục biến đổi.
Xem thêm video đang được quan tâm
VIDEO HƯỚNG DẪN CÁCH LY TẠI NHÀ CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG F0, F1 CỤ THỂ