Ca mắc COVID-19 mới trong thời gian vừa qua vẫn biến động khó lường và có xu hướng tăng cao trở lại đặc biệt là đầu tháng 9/2022 tới nay. Theo đó, số bệnh nhân nặng đang phải điều trị tại các bệnh viện cũng tăng nhanh. Nếu vào tháng 6-7/2022 mỗi ngày cả nước chỉ có khoảng 20 ca bệnh nặng/ ngày thì hiện nay con số này đã lên tới 180 ca/ ngày.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang gia tăng, TP.HCM cũng không ngoại lệ. Trong bốn tuần gần đây, biến chủng BA.5 đang chiếm ưu thế tại TP.HCM.
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước tình hình số ca COVID-19 gia tăng như hiện nay, hiện tại, tất cả các bệnh viện đều có khoa điều trị COVID-19 nên Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện theo dõi sát diễn tiến của dịch. Trường hợp cần thiết thì ngành y tế Thành phố sẽ cho khởi động Bệnh viện dã chiến số 13 theo các kịch bản đã được xây dựng sẵn.
Bà Như cũng khuyến cáo, người dân không nên chủ quan trước dịch bệnh, cần nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19. Để phòng chống dịch tái bùng phát trở lại, TP.HCM đang tăng cường tiêm vaccine để tăng độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, bảo vệ nhóm người nguy cơ, tuyên truyền nguyên tắc 2K...
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính tới ngày 17/9/2022 toàn Thành phố đã tiêm được 23.382.457 mũi. Trong đó, có 8.684.608 mũi 1; 7.729.825 mũi 2; 689.488 mũi nhắc lần 1; 1.495.528 mũi nhắc lần 2.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho trẻ ở nhóm tuổi 12-18 tuổi và 5-12 tuổi tại TP.HCM vẫn thấp hơn so với trung bình cả nước.
Để nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine, ngành y tế TP.HCM luôn đảm bảo công tác tổ chức tiêm chủng, tổ chức các điểm tiêm theo yêu cầu của các trường học, quận huyện trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, vận động người dân tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.