Hà Nội

Biến thể phụ EG.5 Omicron khiến ca COVID-19 tăng, Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo gì?

14-08-2023 12:05 | Y tế

SKĐS - Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron của virus SARS-CoV thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều quốc gia, trước diễn biến này, Bộ Y tế đã có văn bản về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bùng phát trở lại.

Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, biến thể mới EG.5 của virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ lưu hành trên toàn cầu là 17,4% trong tuần từ 17-23/7/2023, tăng hơn 02 lần so với trong tuần từ 19-25/6/2023. 

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới. 

Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.

Biến thể phụ EG.5 Omicron khiến ca COVID-19 tăng, Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo gì? - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau: 

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. 

Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. 

Đồng thời chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trao đổi với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống sáng 14/8, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới, trong đó có biến thể phụ EG.5 Omicron.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng bệnh... 

"Đặc biệt lưu ý với nhóm người nguy cơ cao, người có bệnh nền, người có suy giảm hệ miễn dịch…"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Hôm 9/8, hãng tin Reuters dẫn CDC Mỹ cho biết biến thể mới EG.5 của Omicron, hay còn được gọi là "Eris," hiện đang gia tăng lây lan ở Mỹ. Theo ước tính, biến thể này hiện chiếm khoảng 17% số ca mắc COVID-19 ở nước này.

Lần đầu tiên trong năm nay, số ca nhập viện do COVID-19 đang tăng lên ở Mỹ, tính từ những ngày đầu tháng Tám.

Nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng, khiến nhiều hoạt động được chuyển sang tổ chức trong nhà, thay vì ngoài trời. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nhiều người bị suy giảm hệ miễn dịch dù trước đó đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19.

Đặc biệt, trong tuần cuối tháng Bảy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đã tăng 43% so với tuần cuối tháng Sáu.

Tổ chức Y tế thế giới ngày 9/8 thông báo cần quan tâm đến biến thể phụ EG.5 của Omicron sau khi ghi nhận sự gia tăng và mức độ lây lan rộng khắp của biến thể này. Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Anh, Pháp và Nhật Bản cũng ghi nhận số ca tăng mạnh trong vài tuần qua.

Ngày 13/8: Có 14 ca COVID-19 mới, thấp nhất trong tuầnNgày 13/8: Có 14 ca COVID-19 mới, thấp nhất trong tuần

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/8 của Bộ Y tế cho biết chỉ có 14 ca COVID-19 mới, tiếp tục giảm so với ngày hôm qua. Hôm nay chỉ có 1 bệnh nhân khỏi, cả nước tiếp tục không còn ca COVID-19 nào phải thở máy.

Thái Bình
Ý kiến của bạn