Trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 mới bùng phát, các nhà khoa học đã đưa ra một thông tin rằng virus SARS-CoV-2 biến đổi từ từ. Nếu được phát triển, vaccine ngừa COVID-19 có thể không cần cập nhật thường xuyên theo thời gian. Xét với thực tế hiện nay, nhận định này có vẻ đã lạc quan quá mức.
Trên thực tế, khi lây lan rộng khắp hành tinh, virus SARS-CoV-2 đã không ngừng đột biến, tạo ra các biến thể và biến thể phụ, phá hỏng những nỗ lực của con người nhằm kiểm soát hoàn toàn virus.
Hai năm rưỡi sau khi lần đầu tấn công và xâm nhập vào cơ thể người, virus SARS-CoV-2 vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Theo các nhà virus học - vốn theo dõi chặt chẽ virus SARS-CoV-2, dù đã đột biến rất nhiều lần, song hiện virus SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều không gian thay đổi, điều này có nghĩa là virus vốn rất dễ lây lan này còn có thể càng dễ lây lan hơn.
Nhà virus học Robert F Garry thuộc Đại học Tulane khẳng định virus SARS-CoV-2 có những "mánh khóe" mà các nhà khoa học chưa từng chứng kiến. Bằng chứng là mới đây nhất Omicron đã tạo ra biến thể phụ BA.2.12.1.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể BA.2.12.1 - có khả năng lây lan cao hơn khoảng 25% so với biến thể phụ BA.2 cũng của Omicron vốn đang chiếm ưu thế chủ đạo tại Mỹ.
CDC cho biết biến thể phụ này đặc biệt lây lan nhanh ở vùng Đông Bắc, là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới.
Phát biểu với báo giới trong lễ nhậm chức mới đây, điều phối viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề COVID-19, ông Ashish Jha khẳng định hiện nước Mỹ đang phải chứng kiến một biến thể rất dễ lây lan và rất khó để đảm bảo sẽ không có ai mắc COVID-19 ở Mỹ.
Tuyên bố của ông Jha cũng chính là câu trả lời cho việc Phó Tổng thống Kamala Harris vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang phải cách ly. Bà Harris vừa tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19.
Theo giới chuyên gia, trường hợp của bà Harris làm nổi bật lên một điều rằng hiện thế giới vẫn chưa tìm ra liều tiêm chủng hoặc tăng cường nào có thể tạo "lá chắn" hoàn hảo chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vaccine đã "hoàn thành" tốt vai trò giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng.
Các vaccine hiện nay đa phần được phát triển dựa trên giải trình tự gene của chủng gốc virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019.
Về cơ bản, vaccine bắt chước các đột biến của virus và kích hoạt phản ứng miễn dịch bảo vệ khi virus thực sự tấn công. Tuy nhiên, càng về sau, các biến thể càng có khả năng né tránh nhiều kháng thể trung hòa - vốn là tuyến phòng thủ của hệ miễn dịch.
Đơn cử, BA.2.12.1 dễ lây lan hơn "người anh" BA.2 - vốn có tốc độ lây nhiễm cao hơn Omicron. Còn Omicron lại dễ lây lan hơn Delta và Delta lại dễ lây nhiễm hơn Alpha và các biến thể trước đó.
Hệ miễn dịch của con người sẽ sản sinh ra kháng thể từ việc tiêm vaccine hoặc đã từng lây nhiễm trước đó để vô hiệu hóa virus khi xâm nhập vào cơ thể người. Tuy nhiên, các đột biến khiến virus có thể "né tránh" tuyến phòng thủ của hệ miễn dịch.
Ông Michael T Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota, nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 biến đổi nhanh hơn nhiều so với ước tính của các nhà khoa học.
Đây cũng chính là lý do virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan ở Mỹ. Dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ cho thấy virus này có thể lây nhiễm cho gần 200 triệu người, trong tổng số khoảng 330 triệu người.
Tình huống xấu nhất là một biến thể mới hoặc biến thể do tái tổ hợp xuất hiện khiến các vaccine hiện nay không còn hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên, khá may mắn là cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra.
WHO cảnh báo các nước không nên xem nhẹ Covid-19