Theo thông tin mới nhất, một bệnh viện ở Tây Ban Nha đã tuyên bố ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, trong khi nhiều nước châu Âu đưa ra các biện pháp ứng phó với biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 này.
Trước đó, Bồ Đào Nha cho biết đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên liên quan tới các cầu thủ bóng đá thuộc câu lạc bộ Belenenses SAD. Theo Bộ Y tế nước này, xét nghiệm ban đầu nghi ngờ13 cầu thủ mắc COVID-19 này này nhiễm biến thể mới Omicron
Scotland tuyên bố đã phát hiện 6 ca mắc mới biến thể Omicron, nâng tổng số ca mắc COVID-19 biến thể mới nhất này lên 9 trường hợp ở Anh quốc.
Bộ trưởng Y tế Scotland Humza Yousaf cho biết các nhà chức trách cần phải thận trọng hơn cho tới khi hiểu rõ hơn biến thể mới này.
Nhiều quốc gia châu Âu bao gồm Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Czech, Italy và Bỉ đã phát hiện ca mắc biến thể Omicron.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, trong khi nước Pháp chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể mới nhất này, vẫn có khả năng có ca nhiễm âm thầm lây lan. Bộ Y tế Pháp cho biết hiện đang có ít nhất 8 ca nghi nhiễm Omicron tại Pháp.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết châu Âu đang chạy đua với thời gian nhằm chống lại biến thể Omicron. Bà đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo vào ngày 28/11 theo giờ địa phương.
Biến thể Omicron tiềm ẩn nguy cơ toàn cầu
Biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 đặt ra mối nguy toàn cầu rất cao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một cuộc họp báo kỹ thuật về cách thức chuẩn bị ứng phó với biến thể Omicron.
WHO cho biết biến thể Omicron có số lượng đột biến cao, một vài đột biến gây quan ngại, cho thấy "khả năng thoát khỏi miễn dịch và khả năng lây truyền cao hơn". Điều đó có nghĩa rằng không chắc chắn liệu các loại vaccine hiện nay có hiệu quả chống lại biến thể Omicron hay biến thể mới này có khả năng lây lan COVID-19 nhanh hơn hay không?
Trường hợp mắc biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào ngày 9/11. Các chuyên gia dịch tễ ở Nam Phi cho biết biến thể Omicron dường như là thủ phạm khiến các ca mắc COVID-19 tăng vọt trong vòng 2 tuần qua ở nước này. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng biến thể này nguy hiểm hơn.
WHO thúc giục các quốc gia có kế hoạch ứng phó biến thể Omicron nhằm duy trì các dịch vụ sức khỏe thiết yếu, đề phòng khả năng số ca COVID-19 nhập viện tăng cao do biến thể này.
Hà Lan: 13 hành khách có kết quả dương tính với biến thể Omicron
Bộ Y tế Hà Lan xác nhận 13 hành khách trên 2 chuyến bay trở về từ Nam Phi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron.
13 người trên nằm trong số 61 hành khách trên 2 chuyến bay cuối cùng đáp xuống sân bay Schiphol của Hà Lan trước khi lệnh cấm (đối với chuyến bay từ Nam Phi) được thực thi. Những hành khách này ngay lập tức được cách ly trong khi quá trình xét nghiệm và giải trình tự gene virus nhanh chóng được tiến hành.
Bộ Y tế Hà Lan kêu gọi tất cả du khách vừa quay trở về từ Nam Phi trong tuần trước đi xét nghiệm, đồng thời lập một trung tâm xét nghiệm ở sân bay Schiphol.
Anh áp đặt các lệnh hạn chế đi lại mới
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, các ca mắc biến thể Omicron ở nước này liên quan tới các chuyến đi trở về từ các quốc gia miền nam châu Phi. Đồng thời, ông cho biết Anh đang tiến hành truy vết những trường hợp tiếp xúc với các ca mắc này.
"Để phòng ngừa, chúng tôi triển khai xét nghiệm ở các khu vực có ổ dịch, Nottingham và Chelmsford, đồng thời giải trình tự gene tất cả các ca dương tính".
Các ca nhiễm biến thể Omicron, mà theo bằng chứng ban đầu cho thấy có khả năng lây truyền cao hơn và kháng điều trị hơn (bao gồm cả khả năng giảm hiệu quả vaccine), buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải thắt chặt các yêu cầu nhập cảnh.
"Chúng tôi không dừng hoàn toàn hoạt động đi lại nhưng đòi hỏi bất kể ai nhập cảnh vào Anh phải xét nghiệm PCR và tự cách ly cho tới khi có kết quả âm tính", Thủ tướng Anh tuyên bố trong một cuộc họp báo.
4 quốc gia Malawi, Mozambique, Zambia và Angola vừa bị Anh đưa vào danh sách đỏ hạn chế đi lại. Trong khi 6 nước gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia và Zimbabwe đã nằm trong danh sách trước đó. Các du khách nhập cảnh vào Anh từ các quốc gia này sẽ phải đặt chỗ cách ly tại khách sạn từ trước.
Thủ tướng Anh Johnson cho biết thêm những trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc biến thể Omicron được yêu cầu phải cách ly bản thân 10 ngày cho dù đã tiêm vaccine. Người dân cũng buộc phải đeo khẩu trang ở cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.
Đức, Italy, Bỉ, Czech ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron
Hiện tại, Đức ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể Omicron.
2 ca mắc biến thể mới trở về từ Nam Phi vào ngày 24/11 và đã cách ly. Các nhà chức trách Bavaria nơi có 2 ca nhiễm trên yêu cầu tất cả hành khách trên cùng chuyến bay phải khai báo y tế, xét nghiệm PCR. Đồng thời, bất kể ai vừa trở về từ Nam Phi trong vòng 2 tuần qua cũng phải làm xét nghiệm PCR.
Tại Italy, ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là trường hợp trở về từ Mozambique. "Bệnh nhân này và cả gia đình hiện đang trong tình trạng sức khỏe tốt." Viện Sức khỏe Italy cho biết.
Czech cũng đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trên một bệnh nhân mắc COVID-19. Người phụ nữ này nhập viện với các triệu chứng COVID-19 nhẹ ở Liberec, miền bắc của Czech.
Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở châu Âu là một du khách Bỉ trở về từ Ai Cập.
Lo ngại Omicron, các quốc gia EU cấm đi lại đối với 7 nước ở niềm nam châu Phi (Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, South Africa, và Zimbabwe).
Thậm chí quyết định trên được EU đưa ra trước khi WHO tuyên bố biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 này, với tên gọi ban đầu B.1.1.529, là biến thể đáng quan ngại.
WHO nhấn mạnh rằng "bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ lây nhiễm gia tăng" cùng với một số chuyên gia lo ngại rằng số lượng lớn đột biến của biến thể Omicron có thể tăng khả năng kháng điều trị, giảm hiệu quả vaccine.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Mỹ và Canada cũng đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với các quốc gia miền nam châu Phi.
Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch tễ, nhiều quốc gia nỗ lực tìm cách ứng phó với biến thể Omicron