Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ liên tục tăng kỷ lục do sự lây lan mạnh của biến chủng Delta. Ngoài ra, Mỹ còn phát hiện thêm sự lây lan của chuỗi biến thể mới của SARS-CoV-2 là Mu (còn gọi là B.1.621).
Hiện biến thể Mu đã được xác nhận xuất hiện ở toàn bộ 50 tiểu bang của Mỹ sau khi ca nhiễm mới nhất được ghi nhận ở bang cuối cùng Nebraska. Theo các dữ liệu, đến nay biến thể Mu chỉ được phát hiện trong 0,1% tổng ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ. Tuy nhiên, có thể tỉ lệ này trên thực tế sẽ cao hơn bởi chỉ một phần nhỏ các mẫu virus được giải trình tự gene để phát hiện các biến thể.
TTXVN dẫn thông tin từ trang outbreak.info cho biết, từ mạng theo dõi dữ liệu gene virus GISAID, tính đến ngày 4/9, 5.659 chuỗi biến thể Mu đã được phát hiện trên toàn thế giới, trong số đó 2.436 chuỗi phát hiện ở Mỹ.
Hầu hết các trình tự gene cho thấy, Mu có 8 đột biến trong protein đột biến của nó, nhiều đột biến trong số đó cũng có ở các biến thể cần quan tâm: Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Một số đột biến ở Mu như: E484K và N501Y giúp tránh được kháng thể từ vaccine theo công nghệ mRNA. Trong các biến thể Beta và Gamma, đột biến E484K làm cho các biến thể này có khả năng chống lại một liều vaccine mRNA.
Biến thể Mu cũng chứa đựng những đột biến mới chưa từng thấy trong các biến thể trước đây. Các nhà khoa học cho biết đột biến ở vị trí 346 làm gián đoạn sự tương tác của các kháng thể với protein đột biến, có thể khiến virus dễ dàng thoát ra ngoài hơn.
Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tại Colombia đầu năm 2021, đến nay các ca nhiễm biến thể này được ghi nhận tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa biến thể Mu vào danh sách "biến thể cần theo dõi" do chứa một số đột biến có thể giúp virus lây lan nhanh hơn và kháng vaccine.
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội