Không phải tất cả các quốc gia châu Âu đồng loạt công bố dịch bệnh quay lại, thực tế là đại dịch COVID-19 từ khi xuất hiện đến nay chưa bao giờ biến mất. Số ca mắc COVID-19 tăng dần theo tuần cho thấy cảnh báo thực sự, có quốc gia đã tuyên bố đang phải đối mặt với làn sóng dịch mới.
Số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu tăng trở lại
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã công bố số ca nhiễm COVID-19 mới hàng tuần tăng 64,3% ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) so với tuần trước .
Sự lây lan của dịch bệnh được cho là do biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này không xảy ra tình huống số người nhập viện hoặc phải vào điều trị ICU ồ ạt, đợt dịch này, những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Số ca mắc COVID-19 tại châu Âu tập trung ở nhóm tuổi từ 15-24.
ECDC cho biết , có sự gia tăng các ca mắc mới tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi, trong khi số ca mắc mới ở những người trên 65 tuổi ít hơn. Sự gia tăng các trường hợp mắc mới đã được quan sát ở ít nhất 20 quốc gia châu Âu.
Châu lục này trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới vượt qua mốc 50 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu hiện ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau mỗi giai đoạn 8 ngày và đã có tổng cộng 1,3 triệu ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Số ca nhiễm của châu Âu chiếm 27% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu và chiếm 31% số ca tử vong. Nga là nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sắp vượt mốc 6 triệu ca nhiễm.
Theo một thống kê của Reuters, châu Âu mất 194 ngày để tăng từ 25 triệu lên 50 triệu trường hợp trong khi 25 triệu trường hợp đầu tiên được phải qua 350 ngày mới đạt được.
Cho đến nay, số ca nhập viện đã ổn định, cơ quan quản lý bệnh tật cho biết. Theo dữ liệu từ 24 quốc gia châu Âu, trong 100.000 người, có 4,2 người nhập viện vì COVID-19 (tính đến ngày 15/ 7), so với tỷ lệ 5/100.000 vào tuần trước đó. Điều này cho thấy tính chung ở châu Âu, nhờ có vắc xin, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát.
Một người nhập cư trong trại tị nạn ở Hy Lạp được nhận mũi vắc xin phòng COVID-19
Số lượng bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt cũng đang có xu hướng giảm. ECDC cho biết, tỷ lệ lấp đầy ICU là 0,7 trên 100.000 người, giảm so với 0,9 trên 100.000 một tuần trước đó. Trong báo cáo tổng kết hàng tuần, cơ quan quản lý y tế cảnh báo rằng "tình hình dịch bệnh đang tiếp tục xấu đi ở nhiều nước, dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục" do sự lây lan của biến thể Delta.
Thông báo từ Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cho biết số ca tử vong do COVID-19 tăng 43% ở châu Phi, do sự lây lan của biến thể Delta.
Các hạn chế phòng dịch bệnh COVID-19 đang được thực hiện trở lại ở các nước châu Âu sau những đợt tăng đột biến gần đây.
Pháp bước vào làn sóng dịch thứ 4
Chính phủ Pháp đã điều chỉnh kế hoạch mới của mình nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Trong đó có các biện pháp như bắt đầu từ tháng 8, người dân muốn đến một loạt địa điểm phải có giấy chứng nhận sức khoẻ, hay bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế. Đây là những biện pháp được cho là mạnh nhất được áp dụng tại châu Âu.
Chứng nhận sức khoẻ là chứng nhận một người đã được tiêm chủng hoặc mới khỏi bệnh COVID-19, hoặc xét nghiệm âm tính có hiệu lực.
Nếu cơ sở nào không kiểm tra kiểm soát giấy chứng nhận sức khoẻ nói trên sẽ bị phạt khoản tiền từ 1500- 45.000 euro .
Chính quyền sẽ tuyên truyền và yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch bệnh tuy nhiên quy định xử phạt sẽ chưa được áp dụng ngay. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Attal cho biết, rằng chưa có thời điểm chính xác khi nào Pháp sẽ áp dụng các chế tài mạnh với người vi phạm quy định phòng dịch. Tuy nhiên Người phát ngôn chính phủ Pháp cho rằng, có thể 1 tuần hoặc 1 tháng để mọi người dân có thời gian thích nghi với các quy định mới.
Người phát ngôn Attal cho biết sau cuộc họp nội các: “Chúng ta đã bước vào đợt thứ 4 của dịch bệnh”.
Người dân sẽ phải trình Giấy chứng nhận sức khỏe nếu tới các địa điểm bao gồm rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng, bệnh viện và ga tàu và máy bay.
Kế hoạch này đã được Tổng thống Emmanuel Macron công bố, dự kiến sẽ được quốc hội bỏ phiếu thông qua. Trong bản Kế hoạch của Chính phủ còn quy định những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS –CoV-2 sẽ cần phải tự cách ly trong 10 ngày.