Biến chủng Delta plus đã tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới
Nếu biến chủng Delta đã xuất hiện ở 80 quốc gia, Delta plus đã được tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới. Nó đang là chủng có tốc độ lây lan mạnh mẽ và khiến đại dịch đang quay trở lại Vương quốc Anh, Mỹ và Ấn Độ.
Biến chủng này được xác định là B.1.617.2.1 hoặc AY.1 - viết tắt là Delta plus, một phiên bản của biến chủng Delta phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 2.
Delta plus được báo cáo lần đầu tiên bởi Cơ quan y tế công cộng Anh ngày 11/6, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, biến thể này có thể đã xuất hiện tại Anh và lây lan từ ngày 26/4.
Đã có hàng chục người ở Ấn Độ nhiễm biến chủng Delta plus
Đến nay, khoảng 200 trường hợp mắc Delta plus được phát hiện ở 11 quốc gia, đã có hàng chục người mắc bệnh và một vài trường hợp tử vong được báo cáo ở Ấn Độ.
Các chuyên gia y tế đang điều tra xem liệu Delta plus có dễ lây truyền hơn các chủng khác như biến thể Alpha hoặc Delta hay không - nhưng còn quá sớm để nói về điều đó.
Ấn Độ cho biết, "các biến thể Delta plus khác với các đột biến khác" và AY.1 là loại được biết đến nhiều nhất hiện nay.
Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 Maria Van Kerkhove cho rằng, các chuyên gia của WHO đã "xem xét những đột biến cụ thể này và xác định đây là một biến thể đáng được quan tâm”.
Ảnh minh họa
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Trên toàn cầu hiện đang có rất nhiều mối quan tâm về biến thể Delta và WHO cũng lo ngại về nó”. "Delta là biến thể dễ lây truyền nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay."
Biến chủng Delta plus có khả năng lây nhiễm cao hơn Delta?
Theo cơ quan giải trình tự bộ gene COVID-19 của Ấn Độ, biến thể Delta plus có một số đặc điểm đáng lo ngại như tăng khả năng lây truyền, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng trong liệu pháp điều trị COVID-19.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu đột biến có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin hay không– nhưng Giáo sư về hô hấp tại Đại học Leicester Julian Tang cảnh báo rằng biến chủng này có thể lẩn trốn vắc xin.
Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận điều gì, các chuyên gia đều bày tỏ sự thận trọng. Chính phủ Ấn Độ cho biết loại biến chủng này đang được tiếp tục giám sát.
Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ Balram Bhargava cho biết sau khoảng 7-10 ngày nữa Ấn Độ sẽ cho kết quả về việc liệu vắc-xin có hiệu quả trong việc chống lại biến chủng Delta plus hay không.
Nhóm các chuyên gia từ WHO cũng đang quan sát và theo dõi biến chủng Delta plus để xác định khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của nó.
Thành quả chống dịch đang bị đe dọa bởi biến chủng Delta và Delta plus
Số ca mắc COVID-19 mang biến chủng Delta plus đang gia tăng ngay tại Mỹ, nơi có số người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tương đối cao. Dự báo đây sẽ là chủng thống trị ở Mỹ trong thời gian tới. Các nhà khoa học ở Mỹ lo ngại rằng biến thể của virus gây bệnh COVID-19 sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng, nhất là trong một nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại.
Tại châu Á, giới chức Ấn Độ trấn an người dân rằng, thời điểm hiện tại, mức độ lây nhiễm của biến thể Delta plus vẫn chỉ dừng lại ở “quy mô địa phương”. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng ở Ấn Độ đang tăng lên nên khả năng bị tấn công bởi một đợt dịch nữa khó xảy ra.
Trong khi đó ở châu Âu, Vương quốc Anh đã báo cáo 41 trường hợp nhiễm Delta plus tính đến ngày 16/6. Văn phòng Chính phủ Anh cho biết, các cơ quan chức năng Anh đang tăng cường theo dõi, kiểm tra và cách ly triệt để ở các khu vực có người nhiễm Delta plus đã được báo cáo.
Theo Cơ quan y tế công cộng Anh, một vài trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 với biến chủng Delta plus là những người có tiếp xúc với những người đã đi hoặc quá cảnh ở Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, biến chủng Delta plus còn phát hiện được ở Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành quả chống dịch trong hơn 1 năm rưỡi qua đang bị lung lay bởi các biến chủng Delta plus hoặc Delta. Các ca mắc biến chủng Delta chiếm 98% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh, 96% tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italy và khoảng 16% tại Bỉ. Biến chủng mới Delta có thể cản trở những nỗ lực mà châu Âu đã đạt được trong vòng 2 tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2020. Biến thể Delta đang lan rộng tại châu Âu, khiến các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Như vậy, cả Delta hay Delta plus đều là những “kẻ thù giấu mặt”, có thể khiến đại dịch quay trở lại trong thời gian tới nếu các quốc gia không tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin phòng ngừa COVID-19.