Hà Nội

Biến thể của virus gây bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh hơn tốc độ tiêm chủng vắc xin?

29-06-2021 16:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Biến thể mà thế giới lo ngại nhất hiện nay mang tên Delta đang tăng tốc trên đường đua với vắc xin đặt nhiều nước đứng trước tình thế hoặc phải tiếp tục đóng cửa phong tỏa phòng dịch hoặc phải “chạy đua” tiêm vắc xin để đạt tới miễn dịch cộng đồng.

 Một số nơi dịch bệnh mất kiểm soát

 Từ châu Phi đến châu Á, biến thể Delta đang “phô trương” sức mạnh khủng khiếp của mình, nó đưa các quốc gia như Nam Phi  hay  Indonesia “vòng xoáy” của dịch bệnh. Họ lo sợ sẽ xảy ra một “kịch bản” giống như Ấn Độ đã từng trải qua.

 Trong khi châu Âu đang giảm bớt các biện pháp  hạn chế để phòng dịch, sự xuất hiện của biến thể Delta đang đẩy  hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới đối mặt với nhiều thách thức.

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO), biến thể Delta  lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ  đã xuất hiện  ở 92 quốc gia và là chủng dễ lây truyền nhất  cho đến nay.

Nga tình hình dịch bệnh phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Delta

 Từ châu Phi, châu Á hay cả châu Âu như nước Nga đều đang chịu  tác động của biến thể Delta.

Các bác sĩ  ở Nam Phi cho biết, họ đang  phải chứng kiến những điều tồi tệ nhất. Theo nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y tế Nam Phi và Đại học Cape Town, qua 2 làn sóng dịch, đã có  khoảng 173.000 người  tử vong ở Nam Phi.

 Nhưng giờ đây,  Nam Phi  đang   hứng chịu làn sóng dịch  thứ 3, lớn gấp 2,5 lần  so với 2 lần trước, với từ 15.000 - 17.500 trường hợp mắc mới được ghi nhận sau mỗi 24 giờ.

 Một nghiên cứu của phòng thí nghiệm di truyền Krisp ở Durban cho biết, biến thể Delta  chiếm khoảng 70% các mẫu được giải trình tự ở tỉnh KwaZulu-Natal, đông bắc Nam Phi.

 Một phần đất nước Nam Phi đã phong tỏa để phòng dịch. Trong khi đó, các nước láng giềng Zimbabwe, Namibia và Mozambique số người nhập viện và tử vong ngày càng tăng. 

Nam Phi đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh

 Khi nước giàu giữ lại vắc xin, các quốc gia nghèo ở châu Phi bị bỏ lại phía sau

 Một thực tế đáng buồn là nhiều nước giàu đã giữ lại số lượng lớn vắc xin nhiều hơn cả nhu cầu của chính họ, dẫn đến việc Chính phủ ở nhiều nước đặc biệt là châu Phi bị bỏ lại phía sau. So với các nước thu nhập cao như Anh hay Israel nơi có số lượng vắc xin đạt  68 liều trên mỗi 100 người, thì ở châu Phi, chỉ có khoảng 2 liều vắc xin trên mỗi 100 người.

 Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng chủ tịch của Liên minh phân phối vắc xin của Châu Phi chia sẻ, ông thường xuyên nhận được những tin nhắn xin trợ giúp ô xy, giường bệnh ở một số nước châu Phi. Thậm chí có những quốc gia coi những ca tử vong đó là “bệnh lạ”, họ còn không thừa nhận đó là COVID-19.

 Tại nước  Nga số ca nhiễm COVID-19 mới cũng tăng cao nhất, các nhà chức trách ở Moscow cho rằng,  số ca nhập viện tăng vọt là do biến thể Delta. Chính quyền thành phố Moscow cho rằng 90% trường hợp ở Moscow là do biến thể này gây ra. Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin nói: "Chúng tôi đang đối phó với một chủng virus mới, dễ lây lan hơn, một chủng rất nguy hiểm".

 Tiến sĩ Denis Protsenko, người điều hành một bệnh viện đang điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 tại  Moscow, từ đầu tháng này đã cảnh báo rằng những bệnh nhân mới không đáp ứng với điều trị.

 Thành phố Moscow  hiện đang chứng kiến 2.000 ca nhập viện mỗi ngày, mức cao kỷ lục ở Nga.

 Biến thể Delta cũng đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến xấu khắp châu Á. Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất Đông Nam Á, hệ thống y tế của nước này đang phải chống chọi với sự gia tăng các ca bệnh, có ngày ghi nhận hơn 21.000 người dương tính với SARS-CoV-2.

 Tiến sĩ Adib Khumaidi, trưởng nhóm giảm nhẹ của Hiệp hội Y tế Indonesia cho biết: “Nếu không có sự can thiệp ngay, chúng tôi sẽ giống như Ấn Độ.

 Cho đến nay, 24 trong số các cơ sở y tế chính ở Indonesia đã báo cáo, công suất giường cách ly đạt  90%,  các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở một số khu vực đã đạt gần 100% công suất.

 Đường cong dịch tễ của Indonesia "gần như là một đường thẳng đứng, giống với đường cong dịch bệnh của Ấn Độ hồi tháng 4", một chuyên gia y tế Indonesia nhận định. Tổng số trường hợp mắc bệnh COVID-19 ở đất nước vạn đảo này  là hơn  2 triệu người, với tổng số người tử vong hơn  57.000 người.

 Chỉ trong tháng 6, đã có ít nhất 30 bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu tử vong vì COVID-19, đưa tổng số  nhân viên y tế qua đời  kể từ khi đại dịch xuất hiện lên 401 người. 

 Biến thể mới đang nhanh hơn vắc xin và tiêm chủng?

 Tại Anh, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao  giúp số ca biến chứng liên quan đến COVID-19 và số người nhập viện giảm mạnh. Tuy nhiên,  làn sóng dịch lần này đã hoàn toàn khác với những đợt trước, phần nhiều do yếu tố vắc xin.

 Số ca COVID-19 dù tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn và không có sự gia tăng rõ ràng về các trường hợp tử vong.

 Một trong những vấn đề được đặt ra là, mặc dù đã được tiêm chủng đủ liều vắc xin, nhưng nhiều người vẫn qua đời vì COVID-19. Ở trường phái bi quan cho rằng, hiệu quả của vắc xin dường như thấp hơn những gì mà nhiều người mong đợi. Nhưng nhóm khác cho rằng việc tiêm chủng diện rộng đã không nhanh bằng tốc độ phát triển và biến đổi của virus khiến dịch bệnh kéo dài thêm.

 Bên cạnh đó, sự phân phối vắc xin không công bằng làm cho dịch COVID-19 có “đất sống”, đặc biệt là các biến thể mới của virus vượt quá tầm kiểm soát của nhiều quốc gia.

 Tiến sĩ Issells nói: “Chúng ta đang đánh giá thấp loại virus  nhỏ bé này và tự mãn ở một mức độ nào đó với vắc xin. Nhưng dường như virus luôn đi trước chúng ta”.


Hải Yến
Ý kiến của bạn